Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam – OECD sáng 18/10, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann cho biết, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tránh được suy thoái liên quan đến Covid-19. OECD hiện có 38 thành viên, hầu hết là các nền kinh tế phát triển, thu nhập cao.
Ông dẫn dữ liệu 2 năm dịch bệnh (2020 – 2021) cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng, lần lượt là 2,91% và 2,58%. Và nửa đầu năm nay, nền kinh tế này cũng được đánh giá phục hồi nhanh hơn dự kiến nhờ động lực từ ngành sản xuất chế biến và dịch vụ.
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann. Ảnh: MOFA
Bên cạnh đó, Việt Nam đang cho thấy khả năng chống chịu trước những tác động bất ổn từ bên ngoài, như lạm phát. "Lạm phát toàn cầu đang tăng do giá lương thực, năng lượng tăng, nhưng Việt Nam đang kiểm soát được điều này. Chỉ số lạm phát của Việt Nam thấp hơn các nước OECD", ông Mathias Cormann nói.
Dù đánh giá kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực, lạm phát được kiểm soát, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries lưu ý, nhiều ngành nghề vẫn trong giai đoạn khó khăn, chờ phục hồi.
"Bên ngoài có nhiều rủi ro, trong nước cũng có những thách thức riêng. Lạm phát toàn cầu đang đòi hỏi các nền kinh tế quan tâm hơn đến phục hồi bền vững", ông nói.
Theo đó, ông Andrew Jeffries cho rằng Việt Nam cần xác định rõ đâu là những đối tượng cần được thụ hưởng các chính sách tài khoá, tiền tệ. Việt Nam cần tiếp tục các chính sách giảm, miễn thuế cũng như tăng khả năng tiếp cận những khoản vay cho các doanh nghiệp; tăng cường các chính sách an sinh, hỗ trợ cho người lao động phi chính thức...
"Những cơ chế tài khoá ngắn hạn sẽ giúp nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh lạm phát tăng cao", ông nói.
Ông Mathias Cormann nhìn nhận, khả năng tăng trưởng của Việt Nam tương đối mạnh, dự kiến vượt 6% trong năm 2022 và 2023. Điều này có được nhờ nguồn vốn FDI khi các doanh nghiệp toàn cầu tìm đến Việt Nam nhằm đa dạng chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa thương mại hơn nữa, từ đó được tăng khả năng kết nối và chuyển giao kiến thức.
Để phát triển tốt, OECD lưu ý, Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cải cách, đảm bảo tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, Việt Nam cần thích ứng khi dân số già đi nhanh chóng bằng cách cải thiện, thúc đẩy năng suất lao động.
Đức Minh