Quy định được ban hành hôm 19/4, yêu cầu các siêu thị vừa và lớn phải thông báo cho khách hàng khi một sản phẩm thu hẹp kích cỡ nhưng giá vẫn giữ nguyên hoặc tăng, một phương thức tăng giá trá hình của nhà sản xuất gọi là "shrinkflation".

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gọi chiêu thức này là "lừa đảo" và nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch. "Người tiêu dùng phải hiểu sự biến động giá thực sự của sản phẩm khi kích cỡ chúng thay đổi", ông nói.

carreour-5168-1694931309-8298-1713585924.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-_NWGwNQbuq6K_uwHTfZ4Q

Nhãn cảnh báo sản phẩm bị thu hẹp kích thước trong siêu thị của Carrefour. Ảnh: Reuters

Theo quy định mới, nhà bán lẻ sẽ phải có nhãn thông báo sản phẩm đã bị giảm kích cỡ nhưng giữ nguyên giá trên các kệ hàng trong vòng hai tháng kể từ khi nó có sự thay đổi. Quy định áp dụng cho nhiều loại hàng hóa, bao gồm thực phẩm và đồ dùng gia đình. Các mặt hàng thực phẩm không đóng gói và hàng hóa số lượng lớn được miễn trừ.

Camille Dorioz, Giám đốc chiến dịch tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Foodwatch France hoan nghênh quy định mới, cho rằng động thái của Pháp góp phần củng cố luật pháp châu Âu về cấm đóng gói sản phẩm gây hiểu lầm. "Đây là một tin tuyệt vời vì 'shrinkflation' là gian xảo và gây hiểu lầm", ông đánh giá.

Một số nhà bán lẻ không mấy hào hứng với quy định mới, cho rằng chúng sẽ khó thực hiện. Dominique Schelcher, Tổng giám đốc chuỗi siêu thị Systeme U nói cần giải quyết "shrinkflation" nhưng trách nhiệm nên thuộc về nhà sản xuất. "Tại sao lại yêu cầu các nhà bán lẻ làm điều này mà không yêu cầu nhà sản xuất, những người có tất cả dữ liệu cần thiết?", ông đặt vấn đề.

Tuy nhiên, từ trước khi có quy định này, một nhà bán lẻ khác ở Pháp đã tự chủ động thực hiện. Trung tuần tháng 9/2023, chuỗi siêu thị Carrefour đã dán cảnh báo lên 26 sản phẩm dòng chữ: "Sản phẩm này đã bị giảm kích thước hoặc trọng lượng, khiến giá trên thực tế lại tăng".

Phiên An (theo AP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022