Tại phiên họp thường niên chiều 15/4, nhiều cổ đông bày tỏ lo lắng về tình hình căng thẳng thương mại, Mỹ áp thuế đối ứng rồi lại hoãn 90 ngày với các nước, trừ Trung Quốc. Năm nay, FPT đặt mục tiêu doanh thu 75.400 tỷ đồng, tăng 20% so với 2024. Lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, tăng 21%.

"Có những rủi ro tiềm ẩn nào khiến kế hoạch tăng trưởng của FPT không hoàn thành?", đại diện từ Chứng khoán HSC đặt câu hỏi.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT thừa nhận 2025 là năm "khó khăn ngút trời, nhưng cũng có cơ hội lớn". Ông thừa nhận lo lắng khi chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể thay đổi sau một đêm.

"Người kinh doanh như chúng tôi thường lập kế hoạch nhiều năm mà chính sách thay đổi sau một đêm thì làm sao ứng phó kịp. Nhưng trong nguy có cơ, tập đoàn vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 20% để giữ kỷ luật", Chủ tịch FPT nói.

agm-fpt-2025-56-1744713736-880-3874-3859-1744719445.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=h4le5Z-oQDx2S9LUIWwNSg

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT. Ảnh: FPT

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa cho hay kế hoạch kinh doanh năm nay được FPT đưa ra hồi tháng 1, thời điểm trước khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng mới.

"Chúng tôi nghĩ mình thực sự can đảm khi đặt ra kế hoạch như vậy, nhưng sẽ không chủ quan", Tổng giám đốc FPT chia sẻ.

Ông nhận định Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên sẽ chịu tác động không ít khi căng thẳng thương mại giữa các nước trên thế giới leo thang. Tổng giám đốc FPT cho biết từ 9/4, tập đoàn này đã cắt giảm 30% chi phí, nhưng việc này không ảnh hưởng tới hoạt động cốt lõi.

Ông Khoa đề xuất cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị được điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong trường hợp cần thiết. Ban lãnh đạo công ty sẽ theo sát các chuyển động thế giới, trong nước để đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời.

Chia sẻ với ban lãnh đạo FPT, một cổ đông đặt tiếp vấn đề "ngoài câu chuyện thuế đối ứng của Mỹ, còn nguy cơ nào ảnh hưởng tới kinh doanh của tập đoàn?".

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc FPT cho biết khó đưa ra dự báo về nguy cơ, bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội để bứt phá.

"Thị phần dịch vụ công nghệ của Việt Nam hiện còn khiêm tốn. Khi các cường quốc kinh tế vướng vào căng thẳng thương mại, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để gia tăng thị phần", ông Tuấn nói thêm.

Trọng Hiếu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022