Toạ đàm phát triển kinh tế tư nhân do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/5 đề cập nhiều về Nghị quyết 68 vừa được Bộ Chính trị thông qua

Nghị quyết 68 nêu rõ cần dùng những biện pháp phù hợp với tính chất vụ việc kinh tế khi xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp. Xử lý vụ việc mang tính kinh tế, hành chính phải tách bạch với hình sự. Và khi xử lý, các nhà chức trách phải tách bạch giữa tài sản, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cá nhân người quản lý doanh nghiệp và doanh nghiệp.

img2817-1746780988638197433462-7924-8045-1746793443.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XEgJzEU0Zl3bDM41SK3Q2g

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tại tọa đàm, ngày 9/5. Ảnh: VGP

Theo ông Phan Đức Hiếu, đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, lấy dẫn chứng có những vụ việc, khi xử lý một cá nhân, vô hình chung cơ quan chức năng đánh đồng với cả doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến cả hoạt động của doanh nghiệp. "Doanh nghiệp đâu có lỗi. Thậm chí nhiều trường hợp là do một cá nhân lợi dụng hình ảnh của họ", chuyên gia kinh tế nêu.

Nghị quyết 68 quy định phân biệt rõ tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, của cá nhân những người quản lý trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng được phép sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.

Ông Hiếu cũng đề nghị thông tin các vụ việc cần thận trọng, tránh đánh đồng người quản lý doanh nghiệp với doanh nghiệp, hay với hình ảnh, thương hiệu của tổ chức hoạt động toàn cầu.

Bên cạnh đó, Nghị quyết mới cũng thể hiện mạnh mẽ quyết tâm cắt giảm rào cản chính sách bằng những từ "bãi bỏ", "cắt giảm", chứ không phải "sửa đổi". Việc bãi bỏ rào cản quy định không đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng mất công cụ quản lý, theo đại biểu Quốc hội này. Bởi họ có thể sử dụng công cụ phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý.

Ví dụ, trong hoạt động cấp phép an toàn thực phẩm, người quản lý không phải ngồi ở bàn giấy cấp giấy phép, chứng nhận một sản phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm. "Thay vì chúng ta ngồi bàn giấy, tại sao không dành thời gian đi giám sát và kiểm soát chất lượng thực sự của sản phẩm. Nếu như chúng ta làm như vậy, tôi nghĩ rằng là một số vụ việc vừa qua cũng có thể tránh được", ông Hiếu đề xuất.

Để cụ thể hóa Nghị quyết nói trên, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết Quốc hội để thể chế hóa các nội dung. Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính, cho biết Bộ đã lắng nghe ý kiến của các nhóm doanh nghiệp và học hỏi tư duy làm chính sách của các nước. Ví dụ, TH Group khi kinh doanh ở Nga, nếu mua, nhập máy móc, thay đổi dây chuyền này để phát triển theo hướng chuyển đổi xanh thì nước Nga hỗ trợ (kể cả doanh nghiệp nước ngoài) 30% chi phí đã đầu tư.

"Thay vì để doanh nghiệp thanh toán xong mới đi xin Nhà nước, cơ quan chức năng nước bạn trừ thẳng luôn vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này giúp cho doanh nghiệp không phải làm thủ tục xin hoàn thuế", bà Thủy kể lại. Bà thêm rằng Nhà nước đang nỗ lực rất lớn về tư duy và cách thức thực thi để đồng hành với doanh nghiệp.

Về việc cụ thể hóa Nghị quyết 68, đại diện Bộ Tài chính cho biết họ đã soạn thảo Nghị quyết Quốc hội và chương trình hành động song song với dự thảo Nghị quyết 68. Hiện dự thảo Nghị quyết Quốc hội quy định hoạt động thanh tra đối với doanh nghiệp chỉ tiến hành một lần trong một năm, quy định mà Luật Thanh tra chưa có.

Đại diện doanh nghiệp, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, mong mỏi việc số hóa, tự động hóa triệt để quy trình. Bởi cơ chế "xin – cho" dần được loại bỏ, nhưng khi còn yếu tố con người, doanh nghiệp vẫn e ngại rủi ro.

Liên quan đến hoạt động thanh tra doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu đề xuất chỉ thanh tra tối đa một lần, không nhất thiết phải một năm một lần. Ông cũng bày tỏ mong mỏi có một thể chế cạnh tranh ở cấp độ khu vực. Tức là, một ý tưởng kinh doanh chỉ có thể thực hiện ở Việt Nam, không thể thực hiện được ở nước nào khác. "Nếu một ý tưởng chỉ làm được ở nơi khác, không làm được ở nước ta, tức thể chế chưa cạnh tranh lắm", ông nói.

Thủy Trương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022