Các tỷ phú cảnh báo chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, vị thế của Mỹ cũng bị lung lay. Họ kêu gọi chính quyền của ông Trump hành động trong bối cảnh các thị trường chứng khoán đỏ lửa trước chính sách thuế đối ứng của nước này.

Tỷ phú Bill Ackman, nhà sáng lập quỹ đầu tư Pershing Square, đề xuất hoãn chính sách thuế này 90 ngày. Ông cũng thúc giục Tổng thống Trump đàm phán lại "các thỏa thuận thuế quan không công bằng".

Ackman từng là doanh nhân ủng hộ ông Trump tranh cử Tổng thống, nay công khai chỉ trích thuế đối ứng khiến doanh nghiệp có thể gặp khó khăn, còn người tiêu dùng siết chặt hầu bao.

ceo-2-1744040293-4976-1744040327.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_hq5tAGrJ9UkF6gpLf5S-A

Bill Ackman, Giám đốc điều hành và quản lý danh mục đầu tư tại quỹ Pershing Square, tháng 5/2017. Ảnh: Reuters

Là một doanh nhân, ông Ackman cho rằng kinh doanh là một trò chơi của sự tự tin, vốn phụ thuộc rất nhiều vào "niềm tin". Nhưng việc áp đặt một mức thuế cao và không cân xứng lên "cả bạn lẫn thù" không khác nào việc phát động một cuộc chiến tranh kinh tế toàn cầu chống lại toàn thế giới cùng lúc. Ông cho rằng Mỹ đang phá hủy lòng tin như một đối tác thương mại, nơi để kinh doanh và thị trường đầu tư vốn.

"CEO và ban giám đốc nào sẽ thoải mái thực hiện các cam kết kinh tế lớn, dài hạn ở đất nước chúng ta trong bối cảnh một cuộc chiến thương mại?", ông đặt câu hỏi.

Tỷ phú người Anh Richard Branson, nhà sáng lập Virgin Group, cũng viết trên mạng xã hội X rằng "thuế quan của chính phủ Mỹ đang đưa kinh tế thế giới đi theo hướng nguy hiểm". Richard Branson kêu gọi chính quyền ông Trump thừa nhận sai lầm.

"Một trong những bài học quan trọng nhất mà tôi học được sau 60 năm kinh doanh là chấp nhận khi mình sai và thay đổi hướng đi", tỷ phú Branson nói, đồng thời nhận định chính sách này sẽ khiến mọi người ở khắp thế giới trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở Mỹ.

Cũng chỉ trích chính sách thuế đối ứng, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan, cảnh báo nguy cơ tăng giá tiêu dùng, đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái và làm suy yếu vị thế của Mỹ trên thế giới.

ceo-1744028738-4367-1744029103.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JCXHw3kMeCIkWTCG9x2eoQ

Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan, tháng 5/2024. Ảnh: Reuters

Trong bức thư thường niên gửi đến cổ đông ngày 7/4, sau đợt bán tháo hàng nghìn tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu tuần trước, ông Dimon cho rằng "vị thế phi thường" của Mỹ trên thế giới được xây dựng dựa trên sức mạnh kinh tế, quân sự và đạo đức. Nhưng thuế quan và chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump có thể làm suy yếu vị thế này.

"Nếu các liên minh quân sự và kinh tế của phương Tây bị chia cắt, bản thân Mỹ chắc chắn suy yếu theo thời gian", ông nói.

Tương tự, tỷ phú Stanley Druckenmiller - "cánh tay phải" của huyền thoại đầu tư George Soros - cũng lên tiếng "không ủng hộ thuế quan vượt quá 10%".

Thực tế, CEO JPMorgan lẫn tỷ phú Bill Ackman từng ủng hộ chính sách của ông Trump trước đó. Tháng 1 năm nay, ông Dimon cho rằng nếu thuế quan của ông Trump giúp thúc đẩy sản xuất của Mỹ, dù làm tăng lạm phát một chút, mọi người nên "vượt qua".

Tuy nhiên, mức thuế đối ứng ông Trump đưa ra cao và quy mô rộng hơn nhiều so với các dự báo trước đó của giới phân tích, nhà đầu tư. CEO JPMorgan nhận định dù thị trường gần đây đã lao dốc, cổ phiếu có thể còn giảm mạnh hơn nữa.

Ackman từng đồng tình với luận điểm của Tổng thống Mỹ rằng các quốc gia khác đã lợi dụng đất nước cờ hoa bằng cách bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước của họ, đánh đổi hàng triệu việc làm và tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Nhưng khi thị trường sụp đổ, các khoản đầu tư mới dừng lại, người tiêu dùng ngừng chi tiền và doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài cắt giảm đầu tư, sa thải nhân công. Tỷ phú Ackman cảnh báo việc này khiến người dân Mỹ, nhất là những người thu nhập thấp sẽ rơi vào cảnh vô cùng khó khăn.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày 7/4, S&P 500 mất tổng cộng 13% trong 3 phiên qua. Đây là lần đầu tiên việc này xảy ra kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Đà bán tháo lan từ thị trường châu Á sang châu Âu. Tại Đài Loan, giới chức phải kích hoạt cơ chế ngắt mạch giao dịch, sau khi thị trường ghi nhận mức giảm 9,7%, tiến sát ngưỡng 10% để ngắt mạch theo quy định.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk gọi tình trạng trên là "cơn địa chấn trên thị trường chứng khoán". Ông cho rằng phản ứng của thị trường trước chính sách thuế quan có thể dự đoán được, đồng thời kêu gọi phản ứng "bình tĩnh và kiên trì". Ông Tusk cũng khuyến nghị cơn địa chấn này có thể vượt qua mà không cần đưa ra quyết định căng thẳng. "Thị trường chứng khoán Ba Lan cũng bị ảnh hưởng, nhưng sự ổn định về chính trị và kinh tế là tài sản của chúng ta trong thời điểm khó khăn này", Thủ tướng Ba Lan nói.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng kêu gọi một phản ứng "bình tĩnh và thống nhất" của châu Âu vào thứ Hai.

Bảo Bảo (theo Reuters, CNN, NYPost)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022