Thị trường chứng khoán vừa có tuần biến động mạnh nhất về điểm số lẫn thanh khoản bởi thông tin chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế 46% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam. VN-Index rơi từ 1.325 điểm xuống 1.160 điểm bởi áp lực bán tháo, sau đó hồi phục và lấy lại ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Nhịp điều chỉnh này khiến toàn bộ thành quả tích lũy từ đầu năm đến nay biến mất.

Giao dịch chứng khoán tại Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (quận 1, TP HCM), hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương
Áp lực bán mạnh liên tục đưa thanh khoản lên đỉnh mới. Phiên cuối tuần trước có hơn 1,98 tỷ cổ phiếu được sang tay thành công, tương đương 42.200 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam. Điểm tích cực là một số cổ phiếu đã ghi nhận dòng tiền "bắt đáy", nhờ đó thị giá hồi phục mạnh.
Theo ông Hoàng Nam, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcap, tâm lý nhà đầu tư trong nước tuần này sẽ ổn định hơn dù những thông tin trong 3 ngày nghỉ vừa qua không quá thuận lợi.
"Nhà đầu tư từ hoảng loạn bán tháo chuyển sang thận trọng, bình tĩnh theo dõi tình hình. Họ bắt đầu chọn lọc những cổ phiếu đã chiết khấu nhiều nhưng nền tảng cơ bản của doanh nghiệp ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan để giải ngân", ông Nam dự đoán.
Nhiều nhóm phân tích khác đồng quan điểm. Điển hình như Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng VN-Index chưa thể xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.165 điểm trong tuần qua là tín hiệu cho thấy dòng tiền bắt đáy có thể xuất hiện. Áp lực bán nhờ đó sẽ giảm đáng kể, thậm chí chỉ số có thể đảo chiều tăng khoảng 10 điểm và thử thách mức 1.200 điểm trong vài phiên kế tiếp.
Chuyên gia của Vietcap và Yuanta đều nhấn mạnh đây là góc nhìn tương đối lạc quan, bởi thực tế diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc phần lớn vào kết quả chuyến công tác của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump ngày 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa Mỹ và đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự với hàng hoá Việt Nam. Việt Nam cũng đề nghị Mỹ lùi thời hạn áp thuế đối ứng trong quá trình đàm phán thuế quan giữa hai nước.
Sau điện đàm, Tổng bí thư Tô Lâm đã cử Đặc phái viên, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc tới Mỹ để tiếp tục cụ thể hoá các nội dung này.
"Nếu kết quả đàm phán tích cực hoặc trước mắt có những thông tin cập nhật khả quan, thị trường nhiều khả năng hồi phục mạnh lên 1.230 điểm. Trong kịch bản kém khả quan, VN-Index có thể thủng mốc 1.200 điểm trước khi trượt xuống 1.120 điểm", ông Hoàng Nam dự báo.
Tâm lý giải ngân ở vùng giá thấp đang mạnh dần lên, nhưng theo nhiều nhóm phân tích, thị trường vẫn nghiêng về kịch bản giảm nhiều hơn tăng.
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, chỉ số trải qua tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 4/2024 nên nhịp hồi trong phiên cuối tuần chưa thực sự bền vững, mà chỉ mang tính ngắn. Để xác lập xu hướng tích cực hơn, chỉ số đại diện cho sàn TP HCM cần thu hẹp biên độ dao động để hình thành nền giá chặt chẽ.
Còn chuyên gia của Công ty Chứng khoán SHS nhận định thị trường đã chịu cú sốc thuế quan vượt các dự tính và lẽ thông thường. Điều này dẫn đến nhu cầu bán mạnh và có thể còn tiếp tục, kéo theo áp lực bán giải chấp cổ phiếu ký quỹ trong những phiên tới. Tuy nhiên, càng về sát mốc 1.200 điểm, áp lực bán càng dịu dần và dòng tiền phân hoá mạnh hơn theo ngành.
Với góc nhìn thận trọng hơn, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán BSC cho rằng diễn biến thị trường tuần này "vẫn khó lường".
Tuy khác nhau về mức độ lạc quan với diễn biến của VN-Index, các công ty chứng khoán đều có chung lời khuyên hạn chế giải ngân hay bán tháo trong giai đoạn này. Thay vào đó, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị danh mục theo hướng hạ tỷ trọng đòn bẩy ký quỹ về mức thấp (dưới 20%) và chờ tín hiệu mua mới.
"Thị trường vẫn có thể tiếp tục điều điều chỉnh về điểm cân bằng mới. Việc dùng sức mua để bắt đáy sẽ chưa phù hợp cho đến khi tín hiệu về thỏa thuận thương mại được tìm thấy", báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Rồng Việt viết.
Phương Đông