Nội dung nêu tại cuộc họp tối muộn 7/4 của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các bộ ngành về giải pháp sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, gồm Việt Nam. Đây là cuộc họp thứ 3 của lãnh đạo Chính phủ với các bộ ngành trong 5 ngày qua.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam đề nghị Mỹ hoãn áp thuế với Việt Nam ít nhất 45 ngày để đàm phán, chuẩn bị và chuyển tiếp trạng thái. Việc này cũng giúp Việt Nam có thể tiếp cận và đàm phán với phía Mỹ để đạt thỏa thuận song phương, tiến tới cân bằng thương mại bền vững, có lợi cho cả hai bên, không ảnh hưởng tới các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Trước đó, nhiều tỷ phú Mỹ cũng giục Tổng thống Trump hoãn chính sách thuế đối ứng 90 ngày, do lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, vị thế của Mỹ bị lung lay.

Thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại còn Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%, dự kiến có hiệu lực từ 9/4.

img0688-1744029594494673763433-2106-3447-1744044040.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=z-wxebJuwuyWKSzhLum5dQ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp với các bộ ngành về thuế đối ứng của Mỹ, tối 7/4. Ảnh: VGP

Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc và đoàn công tác đang ở Mỹ, để đàm phán các nội dung liên quan tới thuế đối ứng. Về thuế, Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ thực hiện theo định hướng thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tức là, Việt Nam sẽ đưa mức thuế nhập khẩu về 0% với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị nước này áp mức thuế tương tự với hàng hóa Việt Nam.

Liên quan các giải pháp thương mại, Việt Nam tiếp tục mua thêm các mặt hàng Mỹ có thế mạnh, trong nước có nhu cầu, kể cả mặt hàng liên quan an ninh, quốc phòng. Nhà điều hành cũng thúc đẩy giao hàng sớm với các hợp đồng thương mại máy bay.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ rà soát những vấn đề phía Mỹ quan tâm, đồng thời các bộ ngành nghiên cứu, trả lời thỏa đáng và sát tình hình thực tế. Các vấn đề liên quan chính sách tiền tệ sẽ được xử lý theo luật pháp của Việt Nam, thông lệ quốc tế để ổn định lãi suất, tỷ giá và cân bằng, phù hợp với nền kinh tế. Về xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương được yêu cầu rà soát, kiểm soát chặt xuất xứ hàng và không để những việc đáng tiếc có thể xảy ra. Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các quy định, thực hiện hiệu quả việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể, chống hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt xuất xứ.

Với các doanh nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo mở rộng gói tín dụng ưu đãi cho thủy hải sản và nghiên cứu các gói ngành dệt may, da giày, đồ gỗ. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giãn nợ, giảm lãi suất cho vay với các mặt hàng có thể chịu tác động bởi chính sách thuế của Mỹ.

Cùng với đó, nhà điều hành hoãn, giãn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ được rà soát theo hướng giảm thủ tục hành chính. Cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền giảm tiếp thuế, trước mắt là VAT. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục các biện pháp ngoại giao trên các kênh khác nhau để tác động tới các cơ quan của Mỹ có giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022