Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII chiều 23/2, ông Phạm Đức Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết giai đoạn 2025-2030 tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số. Tuy nhiên, dư địa phát triển với một tỉnh miền núi như Điện Biên rất khó khăn. Song theo ông, tỉnh này có cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiện nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước muốn nghiên cứu các dự án nguồn điện này trên địa bàn.
Do vậy, lãnh đạo Điện Biên đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời tại các địa phương khó khăn, tạo điều kiện để họ thu hút nguồn lực đầu tư, thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Các địa phương tham gia hội nghị trực tuyến về Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, ngày 23/2. Ảnh: Bộ Công Thương
Tương tự, Bạc Liêu được đánh giá có tiềm năng hơn 8.000 MW điện gió và 6.000 MW điện mặt trời. Do đó, ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu xin bổ sung thêm 1.000 MW điện gió và 500 MW mặt trời trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
Tới cuối năm ngoái, hệ thống điện Việt Nam có gần 17.000 MW điện mặt trời (cả mái nhà, tập trung) và trên 5.000 MW điện gió. Các nguồn này chiếm khoảng 26% tổng công suất hệ thống điện. Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu tới 2030 có 27.880 MW điện gió (trên bờ, ngoài khơi) và 12.836 MW điện mặt trời (mái nhà, tập trung).
Theo dự thảo quy hoạch điều chỉnh, nhà điều hành dự kiến phát triển nguồn điện gió ngoài khơi sau năm 2030, đạt khoảng 17.000 MW vào 2035. Thay vào đó, 5 năm tới Việt Nam sẽ phát triển tăng điện gió trên bờ, gần bờ với 27.791-34.667 MW, thêm khoảng 15% so với quy hoạch hiện nay.
Các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, pin lưu trữ sẽ được tăng phát triển. Điện mặt trời tập trung và mái nhà dự kiến thêm 2-3 lần, lên 46.459-73.416 MW. Bởi đây là nguồn điện có thể triển khai nhanh, đáp ứng kịp thời khả năng cung ứng điện trong 2026-2027.
Tuy vậy, ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết một số nhà đầu tư đề xuất đầu tư hệ thống lưu trữ nhưng quy định pháp luật chưa có. Do đó, họ kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành quy định để có cơ sở pháp lý triển khai dự án.
Phản hồi trước kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên hứa tiếp thu, hoàn thiện đề án và báo cáo Thường trực Chính phủ.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp lấy ý kiến các địa phương về dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, chiều 23/2. Ảnh: Bộ Công Thương
Dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sẽ trình Chính phủ thông qua trước ngày 28/2. Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu quy hoạch sau điều chỉnh phải đảm bảo tầm nhìn dài hạn, bền vững. "Quy hoạch nhằm khai thác hết tiềm năng của các địa phương nhưng phải đảm bảo tối ưu hệ thống", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các nguồn điện có thời gian xây dựng nhanh cần được ưu tiên để đưa vào sử dụng. Đồng thời, quy hoạch phải tính toán phát triển nguồn linh hoạt khác, hệ thống pin lưu trữ, nhập khẩu điện theo hướng mở. Việc này nhằm bảo đảm cao nhất an ninh năng lượng quốc gia, nhất là các tỉnh phía Bắc (Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng) đều ghi nhận nhu cầu điện sẽ tăng trên 11% thời gian tới.
Nguồn điện mặt trời tăng lên nhiều so với quy hoạch điện VIII trước đây. Đây là nguồn điện chiếm diện tích sử dụng đất lớn, do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá chi tiết về diện tích sử dụng, tính khả thi và ảnh hưởng đến quy hoạch khoáng sản, sử dụng đất nông nghiệp. Cơ quan soạn thảo cũng cần làm rõ tính khả thi hiệu quả trong hệ thống lưu trữ năng lượng, gồm thủy điện tích năng, pin lưu trữ với nguồn điện mặt trời, nhất là đến năm 2030.
Ông cũng cho rằng nhà điều hành cũng phải có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường, chuyển đổi mô hình kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với chi phí hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần rà soát, kịp thời điều chỉnh hoặc tham mưu cấp thẩm quyền các cơ chế phát triển dự án, công trình điện trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Do nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn, trung bình khoảng 27 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm tới, Phó thủ tướng lưu ý cần có các giải pháp đột phá để huy động vốn đầu tư.
Phương Dung