Dù còn vài hạn chếvề ngôn ngữ điện ảnh, nhưng tổng thể thì Nhà gia tiên là bộ phim hài duyên dáng, với tiếng cười giòn tan, được lồng ghép thông điệp nhẹ nhàng về gia đình, tổ tiên. Hơi tiếc khi phim bị dán nhãn 18+, nên sẽ khó tiếp cận với bộ phận khán giả trẻ khi khởi chiếu từ ngày 21/2.
Đây là dự án phim điện ảnh thứ 2 của Huỳnh Lập, trước đó là Pháp sư mù (2019), với doanh thu hơn 53 tỷ đồng. Ở phim thứ 2 này, Huỳnh Lập vừa biên kịch, đạo diễn, kiêm diễn viên chính, đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể so với 6-7 năm trước. Đến chiều tối 23/2, Nhà gia tiên đã thu về gần trăm tỷ đồng, theo Box Office Vietnam, xem như đã cầm chắc sự thắng lợi.
Huỳnh Lập (trái) và Phương Mỹ Chi trong một cảnh quay
Kịch bản chắc tay và sự sinh động của Phương Mỹ Chi
Phim thuộc thể loại hài, tâm linh, kể về câu chuyện của Mỹ Tiên (Phương Mỹ Chi đóng), một nhà sáng tạo nội dung bị cạn kiệt ý tưởng nên quyết định về quê khai thác câu chuyện ma để có nhiều người xem. Nhưng không ngờ, chuyến đi này lại khiến cô nhìn thấy linh hồn Gia Minh (Huỳnh Lập), người anh trai đã mất 12 năm trước.
Không những vậy, Mỹ Tiên còn phải đối diện mẹ (NSƯT Hạnh Thúy), người mà cô đã trốn chạy bằng cách bỏ lên Sài Gòn học, vì những tổn thương trong quá khứ. Từ đây, Mỹ Tiên khám phá nhiều bí mật quá khứ nhờ sự trợ giúp của linh hồn anh trai, nhưng đồng thời cũng đối mặt nhiều hiểm nguy rình rập.

Phương Mỹ Chi lần thứ 2 bước lên màn ảnh rộng, nhưng đã tiến bộ nhiều hơn
Ở vai trò biên kịch, Huỳnh Lập chứng tỏ sự trưởng thành khi câu chuyện trong Nhà gia tiên có nhiều lớp lang, đường dây tương đối chặt chẽ. Từng nhân vật xuất hiện đều có dụng ý, không thừa thãi, dù có nhân vật hơi thiếu đất diễn một chút. Đạo diễn làm bật lên tính cách, số phận của từng người để từ đó dẫn dắt vào câu chuyện chung, nên những hành động của họ khá hợp lý.
Một điểm cộng khác dành cho Phương Mỹ Chi, nhưng trước hết phải khen Huỳnh Lập đặt nữ ca sĩ vào vai Mỹ Tiên vừa sức, phù hợp tính cách của cô ngoài đời. Vì thế, giọng ca sinh năm 2003 nhập vai sinh động, tự nhiên và gần gũi. Biên kịch cũng khéo léo đưa những vấn đề "nhức nhối" từ đời sống xã hội như "bao giờ lấy chồng", "lương tháng bao nhiêu" vào phim và được người trẻ như Mỹ Tiên đối đáp bằng các câu nói thịnh hành của GenZ để tạo tiếng cười, nhưng vừa đủ, không lạm dụng. Tuy vậy, đôi chỗ cần thể hiện chiều sâu tâm lý, "cô bé dân ca" chưa diễn tới, nhưng cũng có thể thông cảm cho một "lính mới".

Nhạc phim cũng là điểm cộng lớn khi các ca khúc được đưa vào đúng thời điểm, chạm vào mạch cảm xúc người xem. Đặc biệt, bài hát Nhà còn thương em mà do Phương Mỹ Chi sáng tác và thể hiện khiến không ít người rơi nước mắt. Ca khúc Ầu ơ ví dầu do Bùi Công Nam hát, diễn viên Chí Tâm diễn vai Phát Phì trong phim sáng tác, góp phần tạo nên mạch phim cảm động.
Ở vai trò biên kịch, Huỳnh Lập chứng tỏ sự trưởng thành khi câu chuyện trong Nhà gia tiên có nhiều lớp lang, đường dây tương đối chặt chẽ. Từng nhân vật xuất hiện đều có dụng ý, không thừa thãi, dù có nhân vật hơi thiếu đất diễn một chút.
Hơi thiếu ngôn ngữ điện ảnh
Nổi lên nhờ những phim chiếu mạng (web-drama) mang hơi hướng tâm linh, nhưng khi bước vào sân chơi lớn là điện ảnh, Huỳnh Lập bộc lộ nhiều hạn chế. Nhà gia tiên sở hữu kịch bản chắc tay, diễn xuất đồng đều, tự nhiên, nhưng hơi thiếu ngôn ngữ điện ảnh. Rất khó để tìm thấy những cảnh quay "biết nói" trong bộ phim này, điều mà khán giả ngày càng đòi hỏi khi họ đã tiếp cận nền điện ảnh quốc tế.
Một điểm trừ khác là sự tham lam của Huỳnh Lập khi cố gắng sắp đặt cho mỗi nhân vật một dụng ý, nhưng anh lại thiếu sự kiểm soát cần có. Điều này dẫn đến mạch phim nhanh, nhồi nhét nhiều tình tiết, nhưng vấn đề chưa được giải quyết hợp lý, rốt ráo.

Phim khai thác mỹ tục và các quan niệm từ truyền thống
Mấu chốt là mối quan hệ rạn nứt của mẹ con Mỹ Tiên vốn âm ỉ, chất chứa hơn mười năm chưa được tháo gỡ, thì biên kịch chỉ qua một chi tiết, đã giải quyết xong, nên hơi khiên cưỡng. Người xem theo dõi phân đoạn này bị hẫng một hai nhịp, thì Huỳnh Lập lại tiếp tục "lật kèo".
Không khó để nhận ra Huỳnh Lập bị ảnh hưởng bởi dòng phim Hong Kong (Trung Quốc) ở những thập niên trước, đặc biệt là phong cách của Châu Tinh Trì. Nhưng cái hay của Huỳnh Lập ở chỗ là học hỏi đủ khéo để các tác phẩm được đưa lên màn ảnh rộng không phải là những bản sao, mà vẫn mang dấu ấn riêng và màu sắc của Việt Nam. Điều này khiến người ta chờ đợi nam nghệ sĩ sẽ tiếp tục biến hóa thế nào ở các dự án sau.
Kỳ vọng
Khi được hỏi về kỳ vọng thế nào với Nhà gia tiên, Huỳnh Lập thành thật chia sẻ: "Tôi không quá khá giả để làm thỏa sức đam mê, tôi chỉ có đam mê vừa phải mà thôi. Nên mong phim được đón nhận với doanh thu mà tôi có thể hài lòng và hạnh phúc. Thật ra tôi không bao giờ đặt nặng doanh thu phim mình phải hơn người khác, đó không phải là mục đích. Chỉ cần thắng bản thân hôm qua đã hạnh phúc rồi".

Phim có những cảnh quay đông người, được đầu tư chỉn chu
Huỳnh Lập cũng thừa nhận tác phẩm điện ảnh thứ 2 không phải là một bộ phim hoàn hảo, vì còn thiếu ngôn ngữ điện ảnh và có những hạn chế ở phần kịch bản. Anh tiếp nhận ý kiến bằng thái độ cầu thị: "Có những phân đoạn mọi người xem thấy vướng thì thuận lòng thông cảm cho. Tôi đã cố gắng rất nhiều. Nếu so với Pháp sư mù, nhịp phim, cảm xúc, tuyến nhân vật ở Nhà gia tiên đều khác biệt. Nếu mọi người chưa hài lòng, tôi xin hứa lấy đó làm bài học cho bản thân để trau dồi và ở bộ phim thứ 3 sẽ chinh phục những điều thiếu sót đó".
Theo Huỳnh Lập, một bộ phim hay hoặc dở thì không có thước đo chung hoặc chuẩn mực kiểu 1+1=2, mà đó là cảm nhận của từng người. Anh hy vọng bản thân sẽ chinh phục được nhiều khán giả hơn nữa.
Khi được hỏi khi gắn bó thể loại tâm linh, liệu anh có sợ bị đánh giá một màu, nghệ sĩ trẻ tài năng thẳng thắn trả lời anh muốn được nhớ đến bởi màu sắc chủ đạo tâm linh, còn hơn là không có sắc màu nào.
Từ những tiếng cười và giọt nước mắt, Nhà gia tiên nhẹ nhàng truyền tải thông điệp về tình cảm gia đình, lòng biết ơn của con cháu về ông bà, tổ tiên. Tất cả điều này được truyền tải một cách dí dỏm, tự nhiên, không lên "gân", nên khán giả dễ đồng cảm và dễ tin vào câu chuyện.
Lời khen có cánh cho Phương Mỹ Chi
"Phương Mỹ Chi phải xếp lịch với quản lý để dành nhiều thời gian nhất cho đoàn phim. Bạn ấy rất dễ thương, luôn lắng nghe góp ý của đạo diễn và anh Lý Minh Thắng. Hơn nữa, còn rất cầu toàn, luôn thắc mắc tại sao nhân vật phải để kiểu tóc hoặc trang phục thế này thế kia, mọi người giải thích xong, khi hiểu rồi, thì mới diễn tự nhiên nhất. Có những câu thoại tôi đưa, nhưng Phương Mỹ Chi nói tuổi em không nói thế này, cẩn sửa lại cho phù hợp hơn. Sự chuyên nghiệp và cầu tiến của Phương Mỹ Chi đã góp phần đáng kể để bộ phim được sinh động hơn" - đạo diễn Huỳnh Lập chia sẻ.