"Công nghiệp văn hóa" là ngành sản xuất những sản phẩm có tính nghệ thuật, giá trị và sáng tạo như phim ảnh, âm nhạc, thiết kế nội dung số.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nghiệp dịch vụ văn hóa, giải trí đóng góp trên 3,9% GDP năm 2021 và tăng lên 4,04% vào 2022. Theo Chiến lược phát triển văn hóa đến 2030 đưa ra mục tiêu ngành này sẽ đóng góp 7% vào GDP, tức gần gấp đôi hiện nay.

Tại Hội nghị về phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ngày 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ngành này có triển vọng lớn, phát triển nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa hay huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa tương xứng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu chính sách tiếp cận tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa, nhất là những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho phát triển công nghiệp văn hóa", Thủ tướng nêu.

Ngoài vốn, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công tư, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp lĩnh vực này.

thu-tuong-Pham-Minh-Chinh-22-1-2084-5279-1703235599.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6XCKz-8J14p60Ma_7g4hVQ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, ngày 22/12. Ảnh: VGP

Nêu ý kiến trước đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa cho hay họ gặp khó khăn về tiếp cận vốn, thuế.

Bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hà Nội Grapevine, đánh giá Việt Nam có tiềm lực trở thành trung tâm công nghiệp sáng tạo của Đông Nam Á, châu Á. Nhưng các không gian sáng tạo theo mô hình phi lợi nhuận đang gặp khó khăn vì thuế cao, tương tự các lĩnh vực kinh doanh khác. Bà kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế thu nhập trong 3 năm đầu cho các doanh nghiệp lĩnh vực không gian sáng tạo, giảm một nửa thuế (10%) cho hai năm tiếp theo và miễn, giảm thuế thu nhập với các dự án công - tư lĩnh vực này.

Tương tự, đại diện Tập đoàn Sun Group đề nghị có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất với các nhà đầu tư dự án du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc Công ty BHD phản ánh hiện tượng thuế chồng thuế trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số. Theo bà, thuế xuất khẩu các nội dung sáng tạo số hiện là 0%, nhưng các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng số (Facbook, Youtube, Tiktok) phải nộp thuế 35% khi xuất khẩu sang Mỹ. Họ cũng phải đóng 10% thuế VAT tại Việt Nam trong khi người Việt không xem nội dung này.

Vì thế, bà đề xuất nhà sáng tạo nội dung không ký hợp đồng trực tiếp với các nền tảng mà qua đại lý (Agency), thì đại lý này sẽ phải đóng 10% thuế VAT cho toàn bộ doanh thu. Sau đó các nhà sáng tạo nội dung chỉ nộp thêm 5% thuế VAT. Việc này giúp cơ quan thuế, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý một số đầu mối chính thay "quản" hơn 20.000 nhà sáng tạo nội dung cá nhân như hiện nay.

hop-CN-van-hoa-22-12-jpeg-2896-1703235599.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DOia9V3Vxwb_2vyL7ZIRvw

Các đại biểu tham dự Hội nghị về phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, ngày 22/12. Ảnh: VGP

Chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp, nhưng Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi phủ nhận chuyện thuế chồng thuế với hoạt động văn hóa. Theo ông các ưu đãi đưa ra với lĩnh vực này "có thể có ưu đãi chưa đạt như mong muốn với từng trường hợp cụ thể, chưa đồng nhất giữa các loại hình, lĩnh vực". Ông nói Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền, hỗ trợ tối đa cho hoạt động văn hóa.

Để công nghiệp văn hóa trở thành công nghiệp nền tảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi phát triển văn hóa phải gắn với du lịch; công nghiệp văn hóa phải gắn với quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Bộ Giáo dục & Đào tạo nghiên cứu xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục và bổ sung nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, giải trí.

Với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu họ chủ động tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị và tăng kết nối, đổi mới mô hình kinh doanh để sản phẩm dịch vụ văn hóa "sáng tạo, chuyên nghiệp, cạnh tranh".

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022