Lễ trao giải CineAsia 2023 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, hôm 8/12, quy tụ nhiều nhà làm phim, diễn viên, đạo diễn, đơn vị sản xuất - phát hành, hãng phim, đại diện cụm rạp và vận hành máy chiếu quốc tế.
Dàn quản trị cấp cao góp mặt tại sự kiện gồm: ông Kurt Rieder - Phó chủ tịch cấp cao Warner Bros, nhà phát hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ông Brett Hogg - Phó chủ tịch điều hành, nhà phân phối quốc tế Sony Picture Entertainment; ông Javier Sotomayor - CEO Cinespolis châu Á lẫn Trung Đông; bà Mai Hoa - CEO Galaxy Studio.
Galaxy Studio mang đến hội nghị danh sách phim Việt, thu hút sự chú ý của các nhà vận hành rạp, giúp họ lập kế hoạch tiếp cận thị trường.
Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức thực hiện tọa đàm chủ đề sự phát triển của thị trường cụm rạp châu Á và thay đổi mô hình kinh doanh nhằm thích ứng với sự dịch chuyển nhu cầu giải trí. Các nhà lãnh đạo cùng thảo luận cơ hội, thách thức của phim địa phương, phim độc lập và xu hướng "giảm nhiệt" của chuỗi bom tấn Hollywood.
Các nhà quản trị cấp cao tham gia tọa đàm tại Hội nghị CineAsia 2023.
Các chuyên gia bàn thực trạng khán giả thờ ơ với chuỗi phim Hollywood (franchise movie), doanh thu hai năm qua không đạt kỳ vọng.
Hiện khán giả ngày càng khó tính hơn, tìm kiếm tác phẩm nguyên bản chất lượng cao và nội dung hấp dẫn. Cốt truyện cùng những pha hành động dễ đoán phần nào làm giảm sức hút của chuỗi phim Hollywood, nhất là dự án ra mắt sau đại dịch, dẫn đến chất lượng giảm rõ rệt. Doanh thu phòng vé năm nay giảm tới 50% so với 2019.
Khoảng trống trên tạo nên cơ hội "vàng" cho phim địa phương và dự án độc lập. Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đã, đang đi theo mô hình kết hợp: ra rạp trước, sau đó phát hành trên nền tảng trực tuyến. Phương thức này giúp tối ưu hóa doanh thu phòng vé, phục vụ đa dạng đối tượng khán giả.
CEO Mai Hoa nhận định sau đại dịch, khán giả thay đổi hành vi giải trí. Thay vì chọn ngẫu nhiên phim yêu thích ngoài rạp, họ cẩn trọng, cân nhắc mọi quyết định. Ở thị trường Việt, người xem vẫn dành tình cảm đặc biệt cho cụm rạp. Trước khi mua vé, họ tích cực đọc nhận xét, bình luận trên mạng xã hội hoặc hỏi ý kiến bạn bè.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa trải nghiệm xem phim truyền thống và rạp phim tại gia không quá lớn.
CEO Mai Hoa nói về sự thay đổi hành vi, thị hiếu giải trí của khán giả sau đại dịch, nhấn mạnh sức hấp dẫn lâu dài của trải nghiệm điện ảnh màn ảnh rộng.
Theo CEO Mai Hoa, Galaxy Studio đặt mục tiêu 3-5 năm trở thành rạp chiếu phim nội địa cao cấp, phục vụ nhiều phân khúc khách hàng.
Hai thập niên qua, Galaxy Studio là một trong những nhân tố góp phần thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh Việt, từ sự ảm đạm của thị trường phim "mì ăn liền" ở thập niên 1990, đến chủ trương tiên phong sản xuất phim, tạo ra xu hướng bom tấn Tết.
"Hiện chúng tôi có hơn 100 phòng chiếu trên toàn quốc, phát hành hơn 200 phim mỗi năm. Vẫn còn nhiều cơ hội cho phim Hollywood và nội địa, nhất là các dự án tiềm năng có "tuổi thọ" dài để tồn tại ngoài rạp", bà Mai Hoa nói.
Những năm tới, Galaxy Studio định hướng tục phát triển, nâng cao cơ sở vật chất lẫn trải nghiệm xem phim của khán giả. Đơn vị dự kiến ra mắt nhiều cụm rạp cao cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Với tầm nhìn này, hôm 20/12, doanh nghiệp khai trương rạp Galaxy Sala - định vị cao cấp, tích hợp dịch vụ xem điện ảnh với công nghệ chiếu hiện đại (IMAX laser), hệ thống phòng theo chủ đề "Concept hall" và khu ẩm thực (Cinemuch Eatery, Boulevard Lounge). Ngoài ra, nơi đây còn có phòng chiếu dành riêng cho sự kiện, hội nghị lớn sức chứa hơn 100 khách.
Galaxy Sala - rạp chiếu phim cao cấp tại TP Thủ Đức - khai trương ngày 20/12.
"Ở Việt Nam, rạp chiếu không chỉ là nơi xem phim, mà còn là điểm giải trí an toàn. Các gia đình, nhất là em nhỏ, thường xuyên lui tới. Cùng với đó, nhu cầu dịch vụ cao cấp ngày càng tăng. Ngoài khía cạnh điện ảnh, khán giả còn muốn thưởng thức đồ ăn, thức uống ngon. Họ không chỉ mong có trải nghiệm điện ảnh phong phú, mà còn tìm kiếm môi trường lý tưởng để có khoảng thời gian đẹp bên gia đình, bạn bè...", bà Mai Hoa lý giải.