Thông tin này được ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ cho biết ngày 19/4. Động thái bán ngoại tệ để can thiệp thị trường được nhà điều hành đưa ra trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng, trên 5% từ đầu năm đến nay.

Theo ông Quang, đối tượng được mua là các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm và có nhu cầu. Mức bán tối đa cho mỗi ngân hàng tương đương ngưỡng để họ đưa trạng thái ngoại tệ về mức cân bằng.

"Đây là biện pháp can thiệp rất mạnh, giải tỏa tâm lý trên thị trường, khơi thông nguồn cung và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ thông suốt", ông Quang khẳng định.

Trạng thái ngoại tệ được xác định trên cơ sở số dư tài khoản mua, bán (giao ngay, kỳ hạn, quyền chọn), phát sinh trong giao dịch có liên quan đến tiền nước ngoài.

Giá bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước hôm nay là 25.450 đồng đổi 1 USD, bằng tỷ giá bán ra niêm yết tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. So với mức trần hôm nay 25.473 đồng, giá này thấp hơn 23 đồng.

Tại họp báo Chính phủ đầu tháng 4, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến cuối năm ngoái, dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng 100 tỷ USD.

VPB-4-JPG-5549-1713511290.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5vdCa-tSe8LP2M772C5ogA

Giao dịch ngoại tệ tại quầy một ngân hàng thương mại tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Những ngày gần đây, tỷ giá liên tục phá đỉnh. Vietcombank chiều nay niêm yết USD mua vào là 25.133 đồng và bán ra ở 25.473 đồng, bằng mức trần quy định. So với đầu năm, tỷ giá đã tăng hơn 5%.

Theo ông Quang, tỷ giá tăng nhanh có nguyên nhân từ thị trường quốc tế và nhu cầu trong nước. Trên thế giới, chỉ số đồng USD (DXY) trở lại mốc 106 điểm, lần đầu sau 6 tháng. Nguyên nhân từ lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể kéo dài thời gian hạ lãi suất. Điều này trái với kỳ vọng của nhà đầu tư.

Trong nước, nhu cầu mua ngoại tệ lớn, nhất là từ phía doanh nghiệp, như nhập khẩu sắt thép. Các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro nên mua tăng ngoại tệ kỳ hạn, khiến nhu cầu trong tương lai chuyển về hiện tại.

Tại hội nghị nhà đầu tư cuối tuần trước, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối Đầu tư của Dragon Capital cho rằng áp lực tỷ giá tăng đến từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đang ở mức âm, biến động trên thị trường vàng và đà tăng của tiền số.

Tuy biến động mạnh, thống kê của Dragon Capital vẫn chỉ ra VND đang mất giá chậm hơn so với nhiều đồng tiền trong khu vực. Từ đầu năm đến nay, biên độ giảm của tiền đồng thấp hơn tiền tệ của Đài Loan (6,4%), Thái Lan (7,5%), Hàn Quốc (8,3%) và Nhật Bản (9,4%).

Về phía điều hành, Ngân hàng Nhà nước cho biết theo sát diễn biến tỷ giá để có các biện pháp giải tỏa áp lực trên thị trường. Một trong số đó là trung hòa lượng tiền đồng dư thừa trên thị trường liên ngân hàng thông qua phát hành tín phiếu, từ đó giảm áp lực với tỷ giá.

Khối lượng tín phiếu đang lưu hành tính tới cuối tuần trước là 123.000 tỷ đồng, theo SSI Research. Tuần qua, áp lực thanh khoản khiến cơ quan điều hành phải bơm ròng ra thị trường, khoảng 25.250 tỷ đồng tín phiếu, với mức lãi suất cao hơn (3,5%) trên tổng số 75.000 tỷ đáo hạn.

Minh Sơn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022