Thông tin do ông Trương Công Thắng - CEO Masan Consumer nêu ra trong đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan ( MSN) ngày 25/4.
Theo ông Thắng, doanh nghiệp hiện có 5 "Big Brand" gồm Chin-su, Nam Ngư, Omachi, Kokomi, Wake-up. Các thương hiệu này đóng góp khoảng 150-250 triệu USD, chiếm 80% doanh thu của Masan Consumer trong 7 năm qua ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Masan, hiện thị trường FMCG Việt Nam có quy mô 32 tỷ USD, song MCH mới phục vụ khoảng 8 tỷ USD, tức chỉ chiếm 25%, tiềm năng thị trường còn rất lớn. Vì thế, chiến lược của Masan Consumer là nâng số "Big Brand" lên 6, thực hiện "Go Global" và trở thành công ty hàng đầu Đông Nam Á.
Hành trình tỷ đô của Masan Consumer mới chỉ ở những bước đầu tiên. Công thức xây dựng Big Brands tỷ USD dựa trên "premiumize" các sản phẩm tiêu dùng thông qua các sáng kiến đột phá, sau đó mở rộng quy mô của từng Big Brands. Với mục tiêu đó, ông Thắng nói rằng MCH phải tập trung dành 80% ngân sách marketing để tạo ra những nhu cầu mới và gia tăng thêm giá trị để mở rộng Scope của các Big Brands.
Ông Trương Công Thắng - CEO Masan Consumer nói về chiến lược của doanh nghiệp trong đại hội cổ đông ngày 25/4. Ảnh: MSN
Tổng giám đốc Masan Consumer kể thêm về câu chuyện khi chứng kiến cảnh hai cha con chia nhau một gói dầu gội trong chuyến đi Tây Bắc của mình. Ông cho rằng người Việt vẫn có sự chú trọng nhất định cho thương hiệu. Điều này là một trong những nguyên nhân đưa công ty tới định hướng xây dựng Big Brands doanh thu tỷ USD.
"Làm sao để mỗi gia đình thế giới ít nhất dùng một sản phẩm của Masan", ông Thắng nhấn mạnh.
Chiến lược các thương hiệu mạnh cùng dòng sản phẩm mới phục vụ tiêu dùng bên ngoài góp phần giúp Masan Consumer đặt mục tiêu 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầu.
Riêng về Omachi, bà Nguyễn Trương Kim Phượng, Giám đốc Marketing Cấp cao - Ngành hàng Thực phẩm Tiện lợi (Masan Consumer) cho biết sẽ cao cấp hóa thương hiệu và mở rộng sang thị trường thay thế bữa ăn tại nhà hàng (Restaurant meal replacement hay RMR). Nhãn hàng này đặt mục tiêu mở rộng thị trường từ một tỷ USD của ngành hàng mì ăn lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà với việc ra mắt sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín...
Khách mời trải nghiệm sản phẩm tại đại hội cổ đông Masan ngày 25/4. Ảnh: MSN
Thương hiệu Chinsu cũng đặt mục tiêu cao cấp hóa để phục vụ hơn 30 triệu chén nước chấm mỗi ngày, chiếm hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam. Thương hiệu này đã phát triển danh mục sản phẩm gia vị cao cấp, hướng tới tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group gọi Masan Consumer là "viên kim cương gia bảo" của Tập đoàn. Năm 2023, công ty này thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới khi ghi nhận mức lãi sau thuế 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022.
Năm nay, Masan Consumer dự kiến doanh thu thuần đạt từ 32.500-36.000 tỷ đồng với mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và chăm sóc gia đình, cá nhân. Tập đoàn Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất 2024 nằm trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7% đến 15% so với cùng kỳ năm trước.
Thái Anh