Tại họp thường kỳ Chính phủ sáng 7/9, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết 8 tháng đầu năm, nền kinh tế đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.

Một số chỉ tiêu như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội. Thu ngân sách 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng tăng 16,7%, xuất siêu ước đạt 19,1 tỷ USD.

Cùng đó, phía cung tiếp tục tích cực. Sản xuất nông nghiệp, dịch vụ duy trì đà tăng khá. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ, 8 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%. "Đáng chú ý, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn", Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 8 tháng khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, FDI đăng ký mới gần 12 tỷ USD, tăng 27%. Vốn FDI thực hiện khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8%.

1725675560457391-1725676210848-8777-8979-1725681295.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TVrRSAuR2Pd1CuhX7WtsvA

Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại họp Chính phủ, ngày 7/9. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng lưu ý các động lực tăng trưởng chưa bứt tốc rõ nét. Do đó, theo ông Phương, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp hiệu quả hơn, đồng hành cùng doanh nghiệp, đột phá, đổi mới, sáng tạo trong tư duy, cách nghĩ, cách làm.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 6,8-7%, phấn đấu trên 7%. Để đạt mục tiêu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất các bộ ngành phối hợp chặt với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, cụ thể hóa các nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua đề xuất xây dựng như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Cùng đó, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; thu hút và sử dụng nhân tài cả trong, ngoài nước. Một nhiệm vụ trọng tâm được cơ quan này nhắc tới là rà soát, tháo gỡ triệt để, nhất là về pháp lý của tất cả dự án. Việc này để giải phóng tối đa các nguồn lực đang tồn đọng cho tăng trưởng, phát triển. Cùng với đó, các bộ ngành cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), thúc đẩy động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh).

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022