Hôm 15/2, hai nền kinh tế thuộc nhóm lớn nhất thế giới - Anh và Nhật Bản - đều công bố GDP quý IV/2023 giảm. Điều này đồng nghĩa cả hai rơi vào suy thoái, khi có 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm.
Các thông tin này làm dấy lên câu hỏi liệu Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện tại - có phải là cái tên tiếp theo hay không? Hôm 15/2, Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ nước này giảm 0,8% trong tháng 1, chấm dứt hai tháng tăng liên tiếp.
Điều này cho thấy người Mỹ đang thắt chặt chi tiêu sau mùa mua sắm cuối năm bùng nổ. Tiêu dùng vẫn đang là lực đẩy cho kinh tế Mỹ thời gian qua.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng rủi ro suy thoái hiện khá xa vời. Vì các yếu tố nền tảng của Mỹ khác Anh và Nhật Bản.
Paul Donovan - kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management - hôm 15/2 nhận định kinh tế Nhật Bản co lại do dân số suy giảm. Năm 2022, dân số nước này giảm 800.000 người, đánh dấu năm giảm thứ 14 liên tiếp. Việc này đã hạn chế khả năng tăng trưởng, do "ít người hơn đồng nghĩa mức sản xuất và chi tiêu thấp đi".
Còn tại Anh, cả dân số và lương đều tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng lại chưa đủ để bù đắp chi tiêu sụt giảm vì lạm phát. Tiêu dùng là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế này.
Trong khi đó, tình hình tại Mỹ khác biệt hoàn toàn. Trong hai quý qua, Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP cao hơn dự kiến, chủ yếu nhờ tiêu dùng sôi động.
Người dân mua sắm tại một hội chợ ở thành phố New York (Mỹ). Ảnh: Reuters
Từ năm 2021, người Mỹ đã chi tiêu mạnh tay. Ban đầu, họ được chính phủ hỗ trợ tiền mặt trong đại dịch. Sau này, họ mua sắm bù khi Mỹ bỏ phong tỏa. So với hầu hết nước tiên tiến khác, kinh tế Mỹ vẫn đang vượt trội nhờ tiêu dùng.
Một lợi thế khác là Mỹ ít phụ thuộc vào năng lượng Nga. Điều này giúp họ ít bị tổn thương khi giá khí đốt tăng vọt sau chiến sự Nga - Ukraine tháng 2/2022. Mỹ thậm chí trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu, sau xung đột tại Ukraine. Năm ngoái, họ là nước xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) nhiều nhất thế giới, theo Bloomberg.
Thị trường lao động tại đây cũng vững chắc. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn dưới 4% trong 24 tháng liên tiếp, một phần do các thay đổi từ trong đại dịch. Làn sóng nghỉ việc trong và sau đại dịch khiến các doanh nghiệp khát nhân lực. Họ phải nâng lương để thu hút người lao động mới. Các cuộc sa thải quy mô lớn vài năm qua cũng rất hạn chế, trừ lĩnh vực công nghệ.
Dù vậy, Mỹ vẫn có thể suy thoái mà người dân không hề biết. Nguyên nhân là tình trạng suy thoái của nước này được quyết định bởi Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER). NBER thành lập năm 1920, là một tổ chức nghiên cứu tư nhân dưới sự lãnh đạo của các nhà kinh tế hàng đầu tại Mỹ. Tổ chức này không khẳng định suy thoái theo định nghĩa 2 quý giảm GDP liên tiếp – vốn được áp dụng phổ biến.
Thay vào đó, NBER định nghĩa tình trạng này là "sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên khắp cả nước, kéo dài hơn vài tháng". Theo thông tin trên website của NBER, tổ chức này sử dụng 6 yếu tố sau để đánh giá về chu kỳ kinh tế Mỹ: thu nhập thực của cá nhân, báo cáo việc làm phi nông nghiệp, tình hình việc làm theo khảo sát hộ gia đình của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chi tiêu tiêu dùng thực của cá nhân, doanh số bán buôn - bán lẻ đã điều chỉnh theo biến động giá, và sản lượng công nghiệp.
GDP vì thế không phải yếu tố chính khiến họ đưa ra kết luận suy thoái. Tháng 6/2020, không cần chờ GDP quý II, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) khẳng định Mỹ đã suy thoái từ tháng 2. Trong khi đó, năm 2022, sau khi Mỹ ghi nhận 2 quý liên tiếp đi xuống, NBER vẫn không công bố suy thoái.
Hồi tháng 12/2023, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết rủi ro suy thoái của Mỹ đã tăng lên sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) bắt đầu quá trình nâng lãi tháng 3/2022. Dù vậy, ông cũng khẳng định "không có yếu tố nền tảng nào cho thấy nền kinh tế đang suy thoái".
Tuy nhiên, Powell nhấn mạnh kể cả khi nền kinh tế đang tươi sáng, rủi ro suy thoái vẫn luôn tồn tại. Nguyên nhân là các cú sốc kinh tế bất ngờ, như đại dịch, có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào.
Philipp Carlsson-Szlezak - kinh tế trưởng tại hãng tư vấn Boston Consulting Group cũng không cho rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái năm nay. Thay vào đó, ông cho rằng nước này "sẽ tăng trưởng chậm".
"Kinh tế Mỹ sôi động nhờ các yếu tố nền tảng vững chắc. Một trong số đó là tài chính cá nhân và thị trường lao động", ông nói.
Dù vậy, Carlsson-Szlezak cho rằng vẫn còn một khả năng có thể đẩy Mỹ vào suy thoái. Đó là Fed không giảm lãi suất năm nay.
Các nhà đầu tư đều dự báo Fed giảm lãi nhiều lần năm 2024. Vì thế, nếu Fed không giảm, các thị trường tài chính sẽ rối loạn, có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái, Carlsson-Szlezak kết luận.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)