Động thái trên của Mỹ nằm trong nỗ lực cắt giảm nguồn thu dầu khí của Nga. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt với tập đoàn vận tải hàng đầu của Nga là Sovcomflot và cho biết họ có 45 ngày để tháo dỡ dầu và các hàng hóa khác khỏi 14 tàu chở dầu của mình trước khi lệnh trên được thực thi.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemoo cho biết trong một tuyên bố: "Hôm nay, chúng tôi thực hiện bước tiếp theo bằng cách nhắm mục tiêu vào công ty vận tải và nhà điều hành đội tàu thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất của Nga, giáng một đòn mạnh vào các hoạt động ngầm của họ".
Tàu chở dầu thô thuộc sở hữu của tập đoàn tàu chở dầu hàng đầu Sovcomflot của Nga, đi qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/9/2020. Ảnh: Reuters.
Trước đó, Liên minh châu Âu và Australia đã áp mức giá trần 60 USD cho mỗi thùng dầu thô của Nga.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Sáu cho biết Điện Kremlin đã tìm cách né tránh mức giá trần bằng cách đầu tư vào một "đội tàu ngầm" gồm cơ sở hạ tầng giao dịch thị trường năng lượng. Điều này hoạt động bên ngoài các dịch vụ của liên minh, cho phép Moscow được hưởng mức giá dầu cao hơn vào mùa hè và mùa thu.
Do đó, Washington đã phải có những hành động khác tăng chi phí cho Nga khi sử dụng đội tàu ngầm để vận chuyển dầu nhằm hưởng mức giá cao hơn mức trần, một quan chức cho biết.
Kể từ khi áp dụng trần giá, doanh thu dầu của Nga đã giảm. Cùng ngày 23/2, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt trên diện rộng với Nga, nhằm vào hơn 500 cá nhân và tổ chức nhân dịp đúng hai năm xảy ra xung đột Nga - Ukraine.
Trước đó, ngày 22/2, Anh đã công bố hơn 50 biện pháp trừng phạt mới với Nga. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Anh, những biện pháp trừng phạt nói trên nhắm vào 14 thực thể và cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất đạn dược và vũ khí như hệ thống phóng rocket, tên lửa và các loại chất nổ.
Quỳnh Trang (theo AFP)