Bộ Công Thương hôm 23/2 giục Công ty Hải Hà (Hải Hà Petro) nộp ngân sách số tiền trên sau hơn một tháng doanh nghiệp không có hồi âm, nhưng cơ quan này không đưa ra thời hạn cuối cùng. Bộ này cho hay, việc hối thúc dựa trên cơ sở phối hợp và Bộ Tài chính đã giục nhưng doanh nghiệp chưa hồi âm, nộp lại tiền chiếm dụng.
Trước đó, giữa tháng 1, Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu của Hải Hà Petro và yêu cầu doanh nghiệp này nộp ngay tiền nợ Quỹ bình ổn vào ngân sách.
Theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Quỹ bình ổn được lập tại doanh nghiệp khi Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, việc này dẫn tới nguy cơ các doanh nghiệp chiếm dụng quỹ, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 1.
Hải Hà Petro là một trong số 3 doanh nghiệp đầu mối sử dụng sai quỹ bình ổn, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Số tiền nợ Quỹ bình ổn xăng dầu của Công ty Hải Hà tính đến cuối tháng 11/2023 là 612 tỷ đồng. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng.
Một cửa hàng của Hải Hà Petro tại quận Hà Đông (Hà Nội) treo biển hết xăng, sau khi doanh nghiệp này bị tước giấy phép, ngày 12/1. Ảnh: Anh Minh
Như vậy, đến nay hai doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép là Xuyên Việt Oil và Hải Hà Petro đều chưa nộp lại số tiền nợ Quỹ bình ổn, lãi chậm nộp vào ngân sách. Trước đó, hai doanh nghiệp này bị hải quan dừng thông quan xăng dầu.
Trong văn bản gửi Hải Hà Petro, Bộ Công Thương dẫn quy định cho biết Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đầu mối xăng dầu trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu. Bộ này đồng thời là đơn vị kiểm tra, kiểm soát nguồn nộp, cũng như việc chấp hành quy định về thu nộp ngân sách và xử lý theo thẩm quyền hành vi vi phạm về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng cơ quan này có các biện pháp để cưỡng chế, thu hồi tiền chiếm dụng của doanh nghiệp, nhưng vụ án đang điều tra nên cần phối hợp, chờ phán quyết từ phía cơ quan công an.
Công ty Hải Hà là một trong 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (không gồm đơn vị đầu mối nhiên liệu bay) có trụ sở chính tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trước khi bị tước giấy phép, công ty này có mạng lưới đại lý, cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Bình.
Cuối tháng 1, bà Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Công ty Hải Hà và thuộc cấp bị bắt do những sai phạm trong dùng sai tiền Quỹ bình ổn, không khai nộp thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát, lãng phí và hậu quả nghiêm trọng.
Anh Minh