Những ngày gần đây, chị Lan Anh ở quận Gò Vấp, TP HCM, tìm mua vải thiều ở các tiệm trái cây gần nhà nhưng không có. Cuối cùng, chị cho biết phải đặt trực tuyến với giá một triệu đồng 5 kg, tức khoảng 200.000 đồng một kg. "Chưa năm nào vải thiều khó mua và đắt đỏ như năm nay," chị nói.
Cũng thích ăn loại trái cây này, chị Hoa ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, phải nhờ người thân mua từ Lục Ngạn, Bắc Giang mới có hàng. "Tôi đang đặt một thùng 50 kg từ Lục Ngạn với giá 140.000 đồng mỗi kg," chị Hoa cho hay.
Chị Nguyễn Sơn Ngọc, một người bán vải thiều nhiều năm ở Hà Nội, cho biết vừa tiêu thụ 50 kg vải thiều Lục Ngạn cuối vụ với giá 1,45 triệu đồng cho thùng 8 kg, tức mỗi kg có giá 181.000 đồng.
"Tôi phải vét sạch vườn mới được 50 kg nhưng vẫn không đủ giao cho khách đặt trước. Năm nay, sản lượng vải thiều bán ra tại cửa hàng giảm một nửa vì khan hàng," chị Ngọc chia sẻ.
Chuyến vải cuối cùng tại cửa hàng nhà chị Ngọc được bán hết trong ngày 26/6. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Tại TP HCM, chị Hương Giang, một người chuyên bán trái cây, nói mỗi ngày phải nhờ 4-5 mối sỉ thân quen ở Lục Ngạn thu gom, nhưng chỉ được vài tạ vải. Hiện tại, chị lấy giá sỉ loại 1 là 145.000 đồng mỗi kg nên khi bán lẻ lên 210.000 đồng.
"Giá cao nhưng khách vẫn sẵn sàng mua. Hàng về chuyến nào hết sạch chuyến đó," chị Giang nói.
Lãnh đạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM) cho biết gần một tuần nay, vải thiều đã không còn về chợ. So với năm ngoái, sản lượng về chợ năm nay giảm mạnh. Trên các chợ đầu mối online, nhiều tiểu thương và doanh nghiệp cũng tìm mua nhưng không có nguồn.
Tại miền Bắc, các vùng trồng vải Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương đã thông báo hết vụ. Anh Hoàng, thương lái thu mua vải thiều tại Lục Ngạn, cho biết chỉ khu vực Tân Sơn là còn vải. Giá ở đây tăng từng ngày. Hôm 24/6, mỗi kg khoảng 110.000 đồng, hôm sau lên 120.000 đồng và đến 27/6 là 140.000 đồng. Mức giá này cao gấp 2,5 lần đầu vụ và gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đây là khu vực có sản lượng vải thiều chín muộn nhất và thường được mùa. Nhưng năm nay, sản lượng ở Tân Sơn cũng giảm 30-40% so với năm ngoái, khiến giá vải tăng nhanh," anh Hoàng cho hay.
Vải thiều cuối vụ mỏ mỏng, cùi dày và ngọt đậm đà. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Theo các thương lái, giá vải cuối vụ tăng cao chủ yếu do nguồn cung năm nay quá thấp. Không chỉ vải thiều ở Việt Nam mà cả Trung Quốc cũng mất mùa, khiến các thương lái nước này đổ xô về Bắc Giang và các vùng trồng vải khác để thu gom. Điều này làm giảm mạnh lượng vải vận chuyển vào các tỉnh miền Nam. Nếu như những năm trước, các hệ thống cửa hàng, siêu thị miền Nam ngập tràn vải, nay không còn hàng để bán.
Ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang, xác nhận vải thiều hiện đã hết vụ thu hoạch. Tại Tân Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Đèo Gia... chỉ còn lác đác vài hộ thu hoạch những trái cuối cùng, khiến giá tăng đột biến.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tỉnh này đã tiêu thụ hơn 85.700 tấn vải, trong đó vải chín sớm đạt hơn 47.600 tấn, còn lại là vải chính vụ. Lục Ngạn là địa phương có sản lượng vải lớn nhất tỉnh với khoảng 53.000 tấn.
Vải thiều của tỉnh được tiêu thụ thuận lợi ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 24.700 tấn, chiếm hơn 28,9% tổng sản lượng, còn nội địa hơn 60.900 tấn, chiếm trên 71%.
Tính đến ngày 24/6, sản lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 24.500 tấn (bằng 25% so với năm 2023). Sản lượng còn lại được xuất sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada, Dubai..
Thi Hà