Thông tin trên được Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) chia sẻ tại hội nghị chiều 15/3. Theo hiệp hội này, chính sách kiểm soát nồng độ cồn là một trong nguyên nhân khiến tiêu dùng bia giảm mạnh, nhất là ở kênh nhà hàng, quán ăn.
Ước tính của hiệp hội này, ngành bia giảm 11% doanh thu, và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, ngành này cũng chịu tăng trưởng âm 7%.
Chẳng hạn, lợi nhuận hai "ông lớn" ngành bia giảm sâu trong 2023. Theo kết quả kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), lợi nhuận sau thuế khoảng 4.255 tỷ đồng, giảm 23%. Nếu không tính giai đoạn đỉnh dịch 2021, con số này chạm đáy kể từ năm 2016.
Tương tự, lãi năm ngoái của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) giảm 30% so với 2022, còn 355 tỷ đồng.
VBA cho rằng các doanh nghiệp ủng hộ chính sách kiểm soát nồng độ cồn, nhưng việc cấm tuyệt đối ảnh hưởng tới sản xuất, chuỗi cung ứng của ngành này. "Nhiều nhà hàng, các khu du lịch vắng khách không kinh doanh được kéo theo lao động, doanh thu, lợi nhuận, ngân sách đều giảm", đại diện VBA cho biết.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA phát biểu tại hội nghị chiều 15/3. Ảnh: VBA
Ngoài chính sách kiểm soát nồng độ cồn, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch VBA cho biết ngành này còn chịu ảnh hưởng bởi người dân thắt chặt chi tiêu sau dịch Covid-19. Giá nguyên vật liệu (malt, gạo, vỏ lon) tăng 20-40%, khiến chi phí sản xuất leo thang. Điều này buộc họ tăng giá bán và người tiêu dùng phải "gánh" phần chi phí đội lên này.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành đồ uống còn chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi chính sách, như thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính lấy ý kiến từ năm ngoái, thuế với đồ uống có cồn (bia, rượu) có thể tăng để kiểm soát hành vi tiêu dùng. Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ.
Đại diện VBA nói tăng thuế là cần thiết, nhưng đề xuất lộ trình sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt từ 2025 trở đi, để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi.
Trong khi đó các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này, do lo ngại thiệt hại kinh tế đáng kể với ngành và thu ngân sách sụt giảm. Bởi, theo họ, việc tăng thuế dẫn tới điều chỉnh giá bán chưa phải là công cụ hiệu quả giúp thay đổi thói quen tiêu dùng.
Thay vào đó, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm phù hợp, mang lại lợi ích cho người dùng, nền kinh tế.
Phương Dung