Ngày 14/1, anh Trung (Cầu Giấy, Hà Nội) tới một điểm bán pháo hoa Tết trên đường Dịch Vọng thì được người bán báo giá 880.000 đồng một giàn phun hoa. Thấy không đúng giá công bố, anh tới một đại lý khác tại quận Hà Đông.
Tại đây cửa hàng không có bảng giá niêm yết sản phẩm, người bán sẽ báo giá từng loại khi khách có nhu cầu hỏi mua. Giàn phun hoa và giàn phun viên - hai sản phẩm hot nhất, được nhiều người dân tìm mua, được nhân viên cửa hàng báo giá lần lượt 900.000 đồng và 400.000 - 600.000 đồng một giàn tuỳ loại.
Trong khi đó, thông tin trên website của Nhà máy Z121, giá giàn phun hoa là 330.000 đồng một giàn; giàn phun viên 308.000 - 398.000 đồng một giàn 25 hoặc 36 ống. Tương tự giá ống hoa lửa cầm tay cửa hàng bán giá 120.000 - 140.000 đồng một túi, còn giá niêm yết nhà máy 32.000 - 33.000 đồng. Như vậy, giá bán lẻ tại các cửa hàng cao hơn giá công bố nhà máy 2-3 lần, tuỳ loại.
Bị khách hàng chê đắt, người bán tại cửa hàng ở quận Hà Đông giải thích, so với năm ngoái, giá pháo hoa đã giảm hơn, nhưng hàng về số lượng có hạn nên "khó bán đúng giá". Chẳng hạn, năm nay giá giàn phun hoa giảm 25-30% so với năm ngoái, song do sản phẩm "hot", hiếm hàng, giá vẫn cao hơn các loại khác.
Pháo hoa giàn phun hoa, giàn phun viên của Nhà máy Z121 tại một đại lý bán giá hơn gấp đôi giá niêm yết, ngày 14/1. Ảnh: Phùng Minh
Một số sàn thương mại điện tử đã gỡ các sản phẩm pháo hoa giàn phun viên/giàn phun hoa trên các gian hàng, nhưng tại các hội nhóm bán online, giá pháo hoa không tiếng nổ của Nhà máy Z121 vẫn "loạn giá".
Mỗi thùng giàn phun hoa, giàn phun viên được dân buôn trong các nhóm bán hàng online rao 9-21 triệu đồng (24 giàn), tức giá bán lẻ trung bình 380.000-400.000 đồng một giàn phun viên; giàn phun hoa 850.000-900.000 đồng.
Tuy vậy, theo nhiều người mua, so với năm ngoái và cách đây một tháng giá pháo hoa Tết đã giảm hơn. Năm thứ hai "chơi" pháo hoa Tết, anh Huy (Hà Đông, Hà Nội) cũng thừa nhận, so với năm ngoái giá đã hạ nhiệt hơn. "Năm ngoái tôi mua giàn phun hoa 1,2 triệu, năm nay hỏi giá đang là 900.000 đồng một giàn", anh chia sẻ.
Loại giàn nhấp nháy, một trong 2 loại pháo hoa mới được Nhà máy Z121 đưa ra thị trường Tết năm nay, giảm giá gần một nửa, còn 450.000-550.000 đồng so với mức 800.000-900.000 đồng một giàn cách đây một tháng. Giá sẽ giảm dần nếu mua số lượng lớn.
Hạnh, một người bán ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, năm nay độ hot của pháo hoa Z121 giảm so với Tết 2022 - năm đầu tiên mở bán. "Năm ngoái thời điểm này là đang cháy hàng, nhưng năm nay kho vẫn đầy. Tuần này tôi bắt đầu xả hàng để thu hồi vốn", chia chia sẻ.
Dân buôn xả hàng Tết, giá hạ nhiệt song vẫn cao hơn mức niêm yết của nhà máy. Trước tình trạng giá pháo hoa bị "thổi giá", trong thông tin phát đi ngày 13/1, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, pháo hoa là sản phẩm kinh doanh có điều kiện. Hiện chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được cấp phép kinh doanh sản phẩm pháo hoa, gồm: Công ty TNHH Hoá chất 21 (Nhà máy Z121) và Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (Tổng công ty GAET).
Nhà máy Z121 áp dụng chính sách bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng qua hệ thống 247 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm tại 52 tỉnh, thành phố. Tổng công ty GAET hiện có 2 cửa hàng tại Hà Nội và Ninh Bình. Giá bán sản phẩm được niêm yết tại nhà máy.
Cục khuyến cáo người tiêu dùng cần mua pháo hoa tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh, an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Các hoạt động mua bán ngoài phạm vi các cửa hàng của Nhà máy Z121, Tổng công ty GAET, gồm bán trên mạng, theo Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng là "trái quy định pháp luật".
Trường hợp người dân phát hiện các hoạt động kinh doanh, mua, bán pháo hoa tại các điểm không nằm trong danh sách cửa hàng, đại lý được công bố, Cục này đề nghị cung cấp thông tin để xử lý theo quy định.
Năm 2022, Nhà máy Z121 bán ra hơn 4 triệu sản phẩm pháo hoa các loại, gấp 10 lần năm trước đó.
Anh Minh