Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của HDBank (mã chứng khoán: HDB) cho thấy, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 9,3%, gấp hơn hai lần bình quân toàn ngành. Đại diện nhà băng cho biết, kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ mảng nông nghiệp - nông thôn và các đô thị loại hai - một trong các phân khúc chiến lược của HDBank với sức hấp thụ tín dụng tốt và tiềm năng.
Thời gian qua, nhà băng này tập trung phủ sản phẩm dịch vụ, điều chuyển vốn về các thị trường khu vực nông nghiệp và nông thôn. Ngân hàng mở mới nhiều chi nhánh ở các địa bàn xa như Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang... nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận tín dụng và các sản phẩm, dịch vụ tài chính lớn của hộ gia đình, doanh nghiệp vừa nhà nhỏ tại các khu vực này.
Tính đến 30/6, phân khúc SME tại HDBank chiếm tỷ trọng trên 52% tổng dư nợ, ứng với gần 143.000 tỷ đồng.
Một chi nhánh giao dịch của HDBank. Ảnh: Minh Nhật
Theo đại diện ngân hàng, việc sáp nhập DaiABank hơn chục năm trước - một ngân hàng đã phát triển sâu ở khu vực Đông Nam Bộ đã góp phần giúp HDBank có thêm lợi thế và nguồn lực để phát triển trực nông nghiệp, nông thôn đặc biệt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
"Phân khúc nông nghiệp và nông thôn có gốc rễ gắn chặt từ hơn chục năm trước, lan tỏa sức mạnh để gia tăng tỷ trọng đóng góp cho HDBank đến nay. Chưa kể, nông nghiệp và nông thôn luôn là trụ đỡ cho nền kinh tế, gắn với đặc thù thế mạnh", đại diện HDBank nói thêm.
Bên cạnh sức hấp thụ vốn tốt, khu vực này tạo còn cơ hội để phát triển các giải pháp trong quản lý dòng tiền và cho vay theo chuỗi, triển khai những tiện ích công nghệ và số hóa. Tại thị trường nông nghiệp nông thôn, HDBank đã triển khai thành công tài trợ các chuỗi có quy mô lớn như chuỗi Lộc Trời, chuỗi CP, chuỗi Unilever... Đây là tệp nền tảng để lượng khách hàng số, giao dịch trên kênh số của ngân hàng tăng 4-5 lần trong vài năm qua.
Sáu tháng đầu năm, số lượng khách hàng sử dụng kênh số của HDBank tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng giao dịch trên các nền tảng số tăng tới 116%, ứng với giá trị giao dịch tăng 132%.
Chiến lược tập trung vào nông nghiệp, nông thôn của HDBank cũng nhất quán với các hướng chính sách hướng ưu tiên của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đại diện HDBank cho biết, tại nhiều địa phương, cân đối nguồn huy động tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu tín dụng, ngân hàng phải thực hiện điều chuyển vốn từ các địa bàn có thặng dư.
Đối với việc thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển khu vực nông nghiệp và nông thôn, nhiều năm qua, ngân hàng đã hợp tác với nhiều định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), DEG - định chế tài chính phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức, Proparco - Tổ chức tài chính phát triển của Pháp, Quỹ đầu tư Quốc tế Affinity...
"Trọng tâm của những nguồn tài trợ này là khu vực nông nghiệp và nông thôn, với các doanh nghiệp SME, hộ gia đình và cho vay theo chuỗi, với những ưu đãi, cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn. Thời gian tới HDBank sẽ mở rộng hợp tác và gia tăng nguồn lực kết nối này, tăng cường hơn nữa cho trục chiến lược nông nghiệp, nông thôn và các thị trường đô thị loại 2", đại diện lãnh đạo HDBank cho biết thêm.
An Nhiên