ZaloPay QR đa năng hiện đã đưa vào các hệ thống cửa hàng bán lẻ và dịch vụ lớn trên cả nước, gồm các chuỗi mua sắm, ăn uống như: Viettel Store, Mykingdom, Decathlon, Coolmate, Lee&Tee, Sukiya, Tous les Jours, KFC, Pepper Lunch, Papa's Chicken, Bonchon Chicken...
Sản phẩm kết hợp giữa mã QR của ZaloPay và VietQR này giúp người dùng linh hoạt sử dụng ứng dụng ngân hàng bất kỳ hoặc ví điện tử ZaloPay để quét mã QR đa năng. Toàn quy trình diễn ra trên cùng một nền tảng, đem đến trải nghiệm thông suốt và liền mạch đồng thời hạn chế sai sót, rút ngắn thời gian giao dịch.
Đối với doanh nghiệp bán lẻ, mã QR đa năng giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn khi phải vận hành nhiều hệ thống quản lý riêng biệt tương ứng với các mã QR khác nhau.
Hệ thống quản lý tích hợp đầy đủ chức năng như thông báo tự động các giao dịch và trạng thái thanh toán; lưu trữ - đối soát minh bạch; hoàn tiền khi phát sinh giao dịch không chính xác...; dễ dàng đối soát, theo dõi nguồn tiền. Doanh nghiệp không cần thay đổi cách vận hành mà vẫn tiếp nhận, quản lý và đối soát nguồn tiền từ các ngân hàng, độ chính xác cao.
Ví điện tử ZaloPay đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thông tin ISO/IEC 27001, được đánh giá và xác nhận bởi một tổ chức độc lập. Các kiểm soát an toàn thông tin trong hệ thống được xây dựng và triển khai một cách có hệ thống, theo dõi, đánh giá thường xuyên, đảm bảo vận hành với cơ chế bảo mật cao nhất. Nhờ vậy đơn vị hạn chế rủi ro về gian lận, bảo vệ thông tin cá nhân, tài chính của cả doanh nghiệp và khách hàng.
Tiếp theo, doanh nghiệp bán lẻ có thể tiết kiệm chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nhân sự quản lý, gia tăng doanh số bán hàng nhờ khả năng chấp nhận thanh toán đa dạng.
Người dùng quét mã QR đa năng để thanh toán nhanh tại quán ăn. Ảnh: ZaloPay
Bà Lê Lan Chi, Tổng giám đốc ZaloPay cho biết, đơn vị chứng kiến thực tế các chủ hộ kinh doanh phải đau đầu quản trị, vận hành nhiều mã QR riêng biệt. Trên một diện tích quầy thu ngân hạn chế mà quán trưng bày rất nhiều mã khác nhau. Đó là lý do ZaloPay nghiên cứu và phát triển giải pháp mã QR đa năng.
"Các tính năng tích hợp vào sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực trong đầu tư cơ sở hạ tầng và quản lý, từ đó có nhiều thời gian tập trung phát triển kinh doanh", bà Chi nói.
Trong bối cảnh tăng cường chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng xã hội không tiền mặt tại Việt Nam, mã QR hiện là hình thức thanh toán phổ biến với tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng thanh toán bằng mã QR đã tăng hơn 150% về số lượng so với cùng kỳ năm 2022.
ZaloPay có lợi thế tích hợp cùng ứng dụng nhắn tin Zalo, ghi nhận hơn 11,5 triệu người dùng thanh toán thường xuyên năm 2022. Đơn vị có mạng lưới rộng khắp với hàng chục nghìn đối tác và điểm thanh toán trên cả nước với tốc độ phát triển người dùng nhanh trong ba năm qua.
Minh Huy