Theo UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên), tính đến chiều 15/10, trên địa bàn phường Xuân Thành đã có 21 hộ có tôm hùm nuôi chết với nhiều kích cỡ khác nhau, thiệt hại khoảng 2 tấn. Số lượng tôm chết dự báo còn gia tăng trong vài ngày tới.

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, cho hay nguyên nhân tôm chết nghi do nước biển vùng nuôi bị ngọt hóa bởi lượng nước mưa lớn đổ ra khu vực vùng nuôi trong những ngày qua, khiến độ mặn không đảm bảo, làm tôm bị "sốc" nước ngọt chết.

UBND thị xã Sông Cầu đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, phối hợp với các địa phương có giải pháp, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi cách xử lý nhằm tránh thiệt hại lớn. Các địa phương có nuôi trồng thủy sản tiếp tục kiểm tra tôm, cá đang bị ảnh hưởng nước ngọt, tổ chức thống kê, tổng hợp thiệt hại đối với thủy sản nuôi do ảnh hưởng mưa lũ gây ra.

-4233-1665889594.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TsqNmrRZDUHy1w3TiAierA

Tôm hùm chết tại vịnh Xuân Đài được thương lái mua gom, đưa về tập kết tại Cảng cá Dân Phước. Ảnh: báo Phú Yên

Hiện tôm hùm xanh thương phẩm có giá từ 800.000-900.000 đồng một kg, nhưng tôm chết còn tươi chỉ bán được khoảng 300.000-400.000 đồng một kg. Ngoài tôm hùm, còn nhiều thủy sản nuôi khác như cá chim, cá mú, cá bớp... cũng chết.

Thị xã Sông Cầu là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất nước, chiếm khoảng 60% lồng nuôi trong gần 90.000 lồng nuôi tôm hùm của Phú Yên. Toàn thị xã có 4.800 hộ nuôi, sản lượng tôm hùm mỗi năm của Sông Cầu đạt hơn 1.000 tấn, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng một năm.

Ba năm gần đây, vào mùa mưa, người nuôi tôm hùm và thuỷ sản ở thị xã Sông Cầu liên tục bị thiệt hại bởi tình trạng mưa lũ và sốc nước ngọt. Vào tháng 8, có 29.240 con tôm hùm và 1.220 con cá nuôi bị chết do bão số 2 làm người nuôi thiệt hại gần 2,5 tỷ đồng.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022