Phát biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 9/1, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá bất tiện, ách tắc giao thông gây ra tổn thất lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, một đô thị muốn phát triển mạnh, cần xây dựng được hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu người dân.

415271265-1281816672486692-916-9261-8745-1704796243.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Qv9oY34Q0_dUiAMC91TfPA

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị sáng 9/1. Ảnh: VGP

"Trong các đột phá cho Hà Nội thời gian tới, hạ tầng giao thông phải là ưu tiên số một, các đột phá khác như thể chế, cơ cấu kinh tế, nguồn nhân lực sẽ theo sau để bổ sung", Bộ trưởng nói.

Bởi theo ông, nếu dàn hàng ngang, không chọn lựa ưu tiên hàng đầu sẽ không đủ nguồn lực để phát triển. "Cần xây dựng chương trình về hạ tầng giao thông đồng bộ Hà Nội trong 10-15 năm tới", ông lưu ý.

Bộ trưởng cũng gợi ý về đề án riêng phát triển đường sắt đô thị cho Hà Nội cũng như chiến lược về chuyển đổi xe ôtô, xe máy chạy từ xăng dầu sang xe điện. Điều này đặt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các cam kết về tăng trưởng xanh, giảm phát thải.

Đồng tình với Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, TS Lã Ngọc Khuê đề cập đến việc cấp thiết đảm bảo được vấn đề giao thông công cộng. Ông nói mục tiêu xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị đến 2030 là rất khó thực hiện, phải có những giải pháp đột phá.

Theo ông Khuê, Hà Nội cần nâng được chỉ số sử dụng giao thông công cộng của người dân sau chương trình này từ 28% lên 50%. Khi nghiên cứu mô hình giao thông của Singapore, ông nhận thấy chỉ khi giao thông công cộng đáp ứng được một nửa nhu cầu đi lại của người dân, giao thông đô thị mới trở lại trật tự.

Ông cho rằng Hà Nội nên đặt mục tiêu 15 năm tới làm được các tuyến đường sắt đô thị cụ thể. Ông cũng khuyến nghị Thủ đô cần tiếp tục hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị số 3 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đầu tư kéo dài tuyến này về Lĩnh Nam. Bên cạnh đó, Hà Nội cần thiết kế đồng bộ đường sắt đô thị với các phương tiện giao thông khác để người dân đi bộ 400m là tới được bến xe bus, taxi.

Trước đó, đại diện đơn vị tư vấn cho biết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới. Trong đó nêu rõ những yếu tố như "tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển", "phát triển bao trùm, nhanh và bền vững".

Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; chú trọng 5 loại hình không gian: xây dựng, ngầm, số, văn hóa và công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

Quy hoạch cũng đưa ra 20 mục tiêu cụ thể trên các phương diện về xã hội, kinh tế, môi trường, đô thị, nông thôn, an ninh quốc phòng. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; thu nhập bình quân đầu người đạt 13.500-14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10-12 m2 một người; tỉ lệ đô thị hóa đạt 65-70%.

Đức Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022