Chốt phiên giao dịch 23/9, giá vàng thế giới giao ngay giảm 26,8 USD, về 1.644 USD một ounce – thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Trong phiên, giá có thời điểm về 1.640 USD.

Tổng cộng cả tuần, kim loại quý mất 1,8%. Đây là tuần thứ hai liên tiếp vàng đi xuống.

-6292-1663978137.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M3ReGmi89IVpfywo_Z_5VA

Giá vàng thế giới mất gần 30 USD một ounce phiên hôm qua (đường xanh lá).

"USD đang liên tục tăng giá, khiến vàng dễ tổn thương trong ngắn hạn", Edward Moya – nhà phân tích cấp cao tại OANDA nhận định, "Kinh tế Mỹ rõ ràng đang hướng đến một cuộc suy thoái. Rủi ro hạ cánh cứng đang tăng lên. Điều này sẽ càng khiến dòng vốn chảy vào USD và từ đó tăng sức ép lên vàng".

USD gần đây duy trì ở đỉnh 20 năm so với rổ tiền tệ lớn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng lên cao nhất kể từ tháng 4/2010, khiến công cụ không trả lãi như vàng kém hấp dẫn.

"Việc này có thể khiến giá vàng mắc kẹt trong biên độ hiện tại đến hết năm nay", Fitch Solutions nhận định.

Lạm phát tăng tốc đã khiến nhiều ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 21/9 nâng lãi suất tham chiếu thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp.

Vàng đặc biệt nhạy cảm với lãi suất Mỹ, do nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý này. Lãi suất tăng cũng kéo giá USD lên, khiến vàng kém hấp dẫn với người mua bằng tiền tệ khác.

"Vàng và các kim loại khác như bạc hay bạch kim sẽ tiếp tục chịu sức ép đến khi chính sách thắt chặt trên toàn cầu đạt đỉnh", Ole Hansen – nhà phân tích chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank kết luận.

Hà Thu (theo Reuters, Kitco)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022