Theo báo cáo tài chính quý 4/2024, Eximbank đã có sự tăng trưởng vượt bậc.Ngân hàng này báo thu nhập lãi thuần 2024 đạt 5.923 tỷ đồng, tăng 29% so với 2023. Lãi sau thuế cũng chạm mức 3.326 tỷ đồng, tăng 54% sau một năm.
Để đạt được điều này, Eximbank đã triển khai hàng loạt hoạt động cơ cấu danh mục cho vay theo hướng an toàn, hiệu quả, đặc biệt ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cá nhân, các nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Năm 2024, ngân hàng tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn và tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm tiết kiệm khác như Chương trình Tri ân khách hàng, Tiết kiệm Eximbank VIP, Tiết kiệm kỳ hạn tự chọn, Sinh nhật trọn niềm vui cùng Eximbank; Tiết kiệm online... Eximbank cũng ra mắt dịch vụ Visa Direct, hướng tới các giao dịch tài chính xuyên biên giới.
Đồng thời, nhà băng chủ động đa dạng hóa nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ thanh toán, kinh doanh ngoại hối, vàng và xử lý nợ xấu hiệu quả...
Kết thúc năm nay, tổng tài sản của Eximbank tăng 18,9%, đạt 239.532 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 19,72%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 110,1% so với 2023, đạt 1.080 tỷ đồng, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 674 tỷ đồng, tăng 38,7%.
![image001-1739414568-7890-1739414712.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mcaHhZFhM9dljk4Z3BD5yw](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/13/image001-1739414568-7890-1739414712.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mcaHhZFhM9dljk4Z3BD5yw)
Chi nhánh giao dịch Eximbank. Ảnh: Eximbank
Eximbank đã kiểm soát các chỉ số an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn duy trì mức 24% - 25%, thấp hơn so với mức giới hạn quy định tối đa 30%.
Tỷ lệ LDR duy trì mức 82% - 84%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR cũng dao động quanh ngưỡng 12%-13%, cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước là 8%.
Hiện, thay vì chỉ dựa vào việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, Eximbank cơ cấu lại cấu trúc tài sản và nguồn vốn để cải thiện NIM (thu nhập từ lãi/tổng tài sản có sinh lời). Điều này góp phần cải thiện hiệu suất kinh doanh, tăng cường lợi nhuận, đồng thời, giảm thiểu rủi ro và tạo ra một môi trường tài chính ổn định cho khách hàng, hệ thống.
Bên cạnh đó, với mục tiêu hỗ trợ các giao dịch xuất nhập khẩu, Eximbank đã tung nhiều sản phẩm, dịch vụ. Trong đó, nền tảng số Eximbank EBiz giúp doanh nghiệp SME có thể đề nghị phát hành bảo lãnh online mọi lúc với công nghệ tự động, tối ưu bảo mật, góp phần giảm áp lực tài chính.
Eximbank cũng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay USD với doanh nghiệp chưa từng phát sinh quan hệ tín dụng tại ngân hàng. Nhóm này sẽ được hưởng mức lãi suất 3,7% mỗi năm. Đối với các công ty đang có quan hệ tín dụng tại Eximbank, mức lãi suất vay USD áp dụng từ 3,8% mỗi năm.
Với các giải pháp này, Eximbank hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh, tối ưu chi phí tài chính, từ đó, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới.
Từ 2023, ngân hàng đầu tư mạnh vào hệ thống công nghệ với tiêu chí: hiện đại, xanh, an toàn và bảo mật. Eximbank triển khai các dự án số trên toàn hệ thống, chuẩn hoá và tối ưu quy trình quản lý, vận hành, kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ. Song song, đơn vị ứng dụng công nghệ đổi mới sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng.
Đại diện Eximbank chia sẻ, nhà băng đặt mục tiêu cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng, chất lượng cao, từ đó, liên tục nâng cao trải nghiệm khách hàng và phát triển nền tảng khách hàng.
Ngoài ra, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt tăng vốn điều lệ Eximbank lên 18.688 tỷ đồng, giúp củng cố năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao khả năng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vốn theo thông lệ quốc tế. Đây cũng là năm Eximbank trả cổ tức bằng tiền sau 10 năm và quyết định chuyển trụ sở ra Hà Nội để đưa thương hiệu phủ rộng toàn quốc.
Thiên Minh