Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một bộ phim như "Sex Education" lại khiến mình giật mình nhận ra nhiều điều về cách nuôi dạy con cái.
Ban đầu, tôi xem phim chỉ vì tò mò, nhưng chỉ sau vài tập, một câu thoại của nhân vật Jackson đã khiến tôi lặng người: "Mẹ phải để con tự tìm hiểu con là ai và những điều khác mà con thích làm".
Một câu nói tưởng như đơn giản nhưng lại chạm đến tận sâu trong lòng tôi.
Hoá ra ước muốn của con lại giản đơn đến vậy
Tôi có một cậu con trai tên Minh, năm nay 16 tuổi là học sinh giỏi của một trường chuyên danh tiếng trong tỉnh. Từ nhỏ, Minh đã luôn là niềm tự hào của gia đình.
Con học giỏi, ngoan ngoãn, và dường như không bao giờ khiến tôi phải lo lắng. Tôi vẫn hay nói với bạn bè rằng Minh là đứa trẻ "dễ dạy", bởi con luôn biết nghe lời, luôn cố gắng làm tốt mọi thứ mà tôi kỳ vọng.
Tôi không ép buộc con, hoặc ít nhất là tôi vẫn nghĩ như vậy. Tôi chỉ dẫn dắt, khuyên bảo con chọn những thứ tốt nhất cho tương lai của mình: học chuyên Toán, luyện thêm tiếng Anh, tham gia đội tuyển thể dục, thể thao của trường để có một hồ sơ đẹp. Mọi thứ đều có lợi cho Minh, và con chưa bao giờ phản đối.
Tuy nhiên, khoảng vài tháng trước, tôi bắt đầu nhận thấy con có những dấu hiệu thay đổi nhỏ. Con không còn hào hứng kể về những câu chuyện trên lớp hay các trận đấu bóng như trước. Dù điểm số vẫn cao, nhưng tôi cảm nhận được sự buồn bực trong ánh mắt con.
Con thường xuyên thức khuya, nhưng không phải để học. Nhiều đêm tôi đi ngang qua phòng, thấy con chỉ ngồi lặng lẽ bên cửa sổ, mắt nhìn ra xa xăm.
Ban đầu tôi nghĩ có lẽ con đang căng thẳng vì kỳ thi, nhưng rồi một hôm, tôi tình cờ nghe thấy cuộc trò chuyện giữa Minh và bạn qua điện thoại rằng: “Tớ cũng không biết nữa… Tớ cứ thấy như mình đang sống cuộc đời của người khác".
![photo6152029623882466315y-17393507344791386789793-1739413973714-17394139738401716353328.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/13/photo6152029623882466315y-17393507344791386789793-1739413973714-17394139738401716353328.jpg)
Tôi khựng lại, thắc mắc không biết “'cuộc đời của người khác' theo ý con là như thế nào?”. Tôi băn khoăn rất lâu về câu nói ấy. Liệu có phải tôi đã vô tình biến tình yêu thương thành một chiếc lồng vô hình, khiến con phải cố gắng để đáp ứng mong đợi của tôi mà quên đi bản thân?
Tối hôm sau, tôi quyết định vào phòng Minh để tâm sự. Tôi không vội vã hỏi ngay, chỉ ngồi xuống cạnh con và nhẹ nhàng mở lời: "Dạo này con sao thế? Mẹ thấy con có vẻ không vui".
Minh im lặng hồi lâu, rồi ngước lên nhìn tôi nói: "Mẹ có bao giờ nghĩ… có thể con không thích những thứ mẹ nghĩ là tốt cho con”.
Tôi hơi sững người, không nói gì và con tiếp tục nói: "Dù con giỏi Toán, nhưng có con không thực sự thích nó. Con chơi thể dục tốt, nhưng con không chắc mình muốn tiếp tục. Con chưa bao giờ có thời gian để thử những điều khác, vì lúc nào cũng phải cố gắng để không làm mẹ thất vọng".
Tôi chết lặng khi nghe điều này. Tôi luôn nghĩ rằng mình là một người mẹ tâm lý, khéo léo trong cách nuôi dạy con.
Tôi chưa từng quát mắng, chưa từng ép buộc Minh làm điều gì con không muốn. Nhưng sự thật là tôi đã vô tình tạo ra một chiếc khuôn hoàn hảo đến mức con không dám bước ra ngoài.
Minh không dám nói ra những mong muốn thật sự của mình, vì con sợ làm tôi buồn. Con sợ nếu đi chệch khỏi quỹ đạo tôi vạch sẵn, tôi sẽ thất vọng.
Hóa ra, tôi đã sai. Tôi không biết phải nói gì ngoài việc nhẹ nhàng nắm lấy tay con và nói “Mẹ xin lỗi”. Chỉ ba từ ấy thôi, nhưng tôi thấy mắt Minh long lanh nước.
Tôi biết, điều con thực sự cần không phải là một con đường trải sẵn, mà là sự cho phép để con được tự khám phá bản thân. Tôi đã quá lo lắng về tương lai của con mà quên mất rằng hạnh phúc của con mới là điều quan trọng nhất.
Từ hôm đó, tôi thay đổi. Tôi không còn thúc ép Minh tham gia mọi hoạt động, không còn kiểm soát từng bước đi của con. Thay vào đó, tôi bắt đầu hỏi con nhiều hơn rằng: "Con thích làm gì?", "Con muốn thử điều gì mới không?",...
Ban đầu, Minh có vẻ lúng túng, như thể con chưa từng nghĩ về những câu hỏi này trước đây. Nhưng dần dần, tôi thấy con bắt đầu dành thời gian cho những thứ mới.
Con rất thích đọc sách về tâm lý học – một lĩnh vực Minh chưa từng dám nghĩ đến vì sợ nó “không thực tế”. Và giờ con đã bắt đầu thử vẽ, thử viết, thử sống chậm lại để lắng nghe chính mình.
Một ngày nọ, Minh đưa tôi xem một bài viết con mới viết. Đó là một bài luận ngắn nói về cảm giác khi bị mắc kẹt trong những kỳ vọng của người khác, về nỗi sợ làm người thân thất vọng, và về sự giải phóng khi dám sống thật với bản thân. Tôi đọc xong, lòng đầy xúc động. Minh đã tìm thấy mục đích và niềm yêu thích của chính mình.
Bài học sâu sắc dành cho cha mẹ
Tôi không biết tương lai Minh sẽ ra sao. Tôi cũng không chắc liệu con có trở thành một nhà tâm lý học, một nhà văn hay bất cứ điều gì khác mà con muốn.
Nhưng ít nhất, tôi biết rằng từ giờ trở đi, con sẽ sống cuộc đời của chính mình, chứ không phải phiên bản mà tôi mong con trở thành.
Tôi từng nghĩ rằng, làm cha mẹ khôn khéo là biết cách định hướng cho con một tương lai tốt đẹp mà không khiến con cảm thấy bị áp đặt. Chỉ cần đủ tinh tế, đủ mềm mỏng, tôi có thể khiến con tự nguyện đi theo con đường tôi định hướng và tin rằng đó là lựa chọn của chính mình.
Nhưng hóa ra, dù có khéo léo đến đâu, chúng ta cũng vẫn có thể mắc sai lầm. Bởi đôi khi, chính sự dịu dàng ấy lại là một sợi dây vô hình trói buộc con trong những kỳ vọng. Và chính sự "dẫn dắt tinh tế" ấy lại là một chiếc lồng mạ vàng, nơi con được yêu thương, được bảo vệ nhưng không thể dang rộng đôi cánh theo cách con muốn.
Chúng ta luôn nghĩ rằng mình đang mở ra những cánh cửa cơ hội, nhưng có khi, chính ta lại là người đóng chúng lại, chỉ để lại một con đường duy nhất mà ta tin rằng là tốt nhất.
Chúng ta mải mê vẽ ra những viễn cảnh hoàn hảo, mà quên mất rằng hạnh phúc của con không đến từ một lộ trình được tính toán kỹ lưỡng, mà từ những bước chân tự do khám phá.
Con không cần một con đường trải sẵn thảm đỏ, không cần một tấm bản đồ chỉ rõ từng ngã rẽ. Điều con thực sự cần là một khoảng trời đủ rộng, nơi con có thể vấp ngã, có thể thử sai, có thể tự tìm ra chính mình mà không phải sợ hãi.