Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) sau khi tách khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), thuộc Ủy ban này trước khi về Bộ Công Thương.

EVN đang cấp cho A0 gần 3 triệu USD thuộc hiệp định vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là hai khoản vay cho các dự án trung tâm điều độ hệ thống điện mới và hạ tầng thông tin cho thị trường phát điện cạnh tranh.

Tập đoàn này đề xuất phương án ký hợp đồng cam kết và phụ lục hợp đồng thế chấp với NSMO liên quan tài sản của hai khoản vay trên. Việc này tương tự thực hiện với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, hoặc vay lại ODA cho các công ty con, công ty liên kết của EVN.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng tình và đề nghị EVN phải bổ sung các tài sản hợp pháp, để làm tài sản đảm bảo cho hai khoản vay triệu USD này khi tách A0. Lý do, hiện các tài sản hình thành từ hai khoản vay lại được dùng làm tài sản thế chấp. EVN là bên vay lại nên có trách nhiệm đảm bảo bằng tài sản thế chấp từ vốn vay hoặc tài sản khác. Do đó, theo Bộ Tài chính, việc bổ sung thêm tài sản thế chấp cho hai khoản vay này nhằm đảm bảo dư nợ theo quy định.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khi kết luận cuộc họp về tách A0 khỏi EVN cũng đồng tình với ý kiến của Bộ Tài chính, theo thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ ban hành cuối tháng 12/2023. Ông giao Bộ Tài chính hướng dẫn EVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ Công Thương thực hiện các bước để bàn giao các tài sản hình thành từ nguồn vốn vay lại WB cho NSMO.

trung-tam-A0-jpeg-3700-1704283932.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dPrRDcTwlKeoKtlJKEhXpg

Các kỹ sư vận hành hệ thống điện tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0). Ảnh: EVN

Vốn điều lệ của công ty điều hành hệ thống điện sau khi tách A0 khỏi EVN, theo đề án của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, là 776 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lo nguồn lực này không đủ để NSMO thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động, nên đề nghị bổ sung tới năm 2028 là 3.520 tỷ đồng.

Tại thông báo kết luận, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nêu quan điểm việc bổ sung vốn điều lệ cho NSMO khi chuyển về Bộ Công Thương thuộc trách nhiệm của bộ này. Vì thế, Bộ Công Thương cần đề xuất mức vốn điều lệ bổ sung phù hợp để doanh nghiệp sau khi thành lập hoạt động ổn định, liên tục.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, Bộ Công Thương chưa có quan điểm rõ ràng về dự kiến nguồn lực, lộ trình bổ sung vốn điều lệ cho NSMO. Vì thế, các cơ quan tham mưu kiến nghị chọn phương án vốn đối ứng cho các dự án đầu tư trong 4 năm tới của NSMO là 40%, tức vốn điều lệ sẽ bổ sung là 1.901 tỷ đồng. Đây cũng là phương án EVN từng đề xuất hồi tháng 11 năm ngoái.

Ngoài ra, để công ty sau khi A0 tách khỏi EVN hoạt động liên tục thì cần chi phí, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Công Thương ban hành Thông tư về chi phí điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện. Hai loại chi phí này sẽ được đưa vào phương án giá bán lẻ điện hàng năm.

NSMO và EVN dựa vào chi phí được duyệt sẽ ký hợp đồng dịch vụ trong giai đoạn chuyển tiếp. Chi phí thanh toán hàng tháng từ EVN sẽ giúp NSMO hoạt động ổn định cho tới khi Luật Giá sửa đổi có hiệu lực (từ 1/7/2024). Ước tính NSMO cần 771 tỷ đồng mỗi năm cho chi phí thường xuyên, chi phí vận hành.

Trong thời gian chuyển tiếp khi Bộ Công Thương chưa ban hành cơ chế về chi phí vận hành hệ thống, thị trường điện, EVN sẽ trang trải các chi phí hoạt động cho NSMO.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đề xuất bổ sung cơ chế huy động vốn cho NSMO từ các nguồn vay lãi suất thấp với thời gian ân hạn, trả nợ gốc dài hạn và bố trí vốn đầu tư công, ODA cho các dự án của doanh nghiệp này.

Cơ quan này cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cơ chế đặc biệt (miễn trừ một số điều kiện vay) để NSMO có thể vay vốn từ Ngân hàng phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại. Vốn đầu tư của NSMO được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030.

Thời điểm chuyển A0 về Bộ Công Thương, theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, sẽ được "chốt" cụ thể sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương, Bộ Công Thương ban hành các nghị định, thông tư - chính sách để NSMO hoạt động ổn định, liên tục - có hiệu lực. Trường hợp cần có thời gian chuẩn bị chuyển tiếp dài hơn, Bộ Công Thương đề xuất cụ thể, trình cấp có thẩm quyền.

A0 được thành lập năm 1994, vận hành các khâu truyền tải, phân phối điện, để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm vận hành các nhà máy điện; khai thác, điều tiết hồ chứa; xử lý sự cố hệ thống điện 500 kV. Việc tách A0 khỏi EVN đã được nêu trong Quyết định tái cơ cấu ngành điện năm 2017 nhưng chưa được thực hiện. Việc chuyển đơn vị này về Bộ Công Thương được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022