Nhận định này được nêu tại báo cáo kinh tế vĩ mô TP HCM quý IV, do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật (thuộc Đại học Quốc gia TP HCM) vừa công bố.

TP HCM được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước. Năm nay thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%, tương đương kế hoạch 2023. Tuy vậy, phân tích các dữ liệu, các chuyên gia phân tích cho rằng kinh tế thành phố còn khó khăn ít nhất nửa đầu năm nay, sau đó hồi phục.

"Kinh tế TP HCM rất nhạy với các điều chỉnh của chính sách tiền tệ, do vị trí và vai trò quan trọng của thành phố", nhóm nghiên cứu nhận xét. Theo họ, điều chỉnh lãi suất VND tác động trực tiếp đến khu vực kinh tế nội địa. Trong khi đó, dao động giá VND với USD và nhân dân tệ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất - nhập khẩu, nhất là khu vực FDI.

Kinh tế TP HCM có thể diễn ra những cuộc sàng lọc tự nhiên chưa từng có, khi các gói hỗ trợ kinh tế phục hồi đến hạn, theo báo cáo. Do vậy, nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế - Luật khuyến nghị chính quyền thành phố cần đưa ra dự báo, phản ứng kịp thời trước các đợt điều chỉnh lãi suất, tỷ giá.

dji-0581-1704190021-5617-1704191003.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=F6BPhqyyHGXXU8qWgxBwNA

Trung tâm TP HCM, nhìn từ sông Sài Gòn, khu vực bán đảo Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Về trung hạn, thành phố nên hợp tác vùng Bình Dương, Tây Ninh để tạo thành mô hình vùng kinh tế hợp nhất giữa ba địa phương, nhằm tận dụng các chính sách đặc thù mà đầu tàu kinh tế được hưởng từ Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù của Quốc hội. Theo đó, TP HCM có thể tập trung vào hai nhân tố định hình năng lực mới là công nghệ chiến lược và khởi nghiệp sáng tạo. Tây Ninh giữ vai trò chủ chốt trong cung cấp các nguồn lực về điện, nước, nông sản, và tín chỉ carbon. Còn Bình Dương nổi bật với tốc độ mở rộng công nghiệp gắn liền với xuất khẩu, có thể phát triển trong liên kết chặt chẽ với Tây Ninh và TP HCM.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 tăng trưởng kinh tế thành phố góp gần 22% vào GDP cả nước. Con số này giảm trong hai năm sau đó, lần lượt gần 15,5% và 15,6%.

Năm ngoái GRDP TP HCM đạt hơn 1,62 triệu tỷ đồng, tăng hơn 5,8% so với 2022, nhưng thấp hơn 1,7-2 điểm phần trăm so với mục tiêu.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,3% so với năm 2022. Khu vực công nghiệp tăng trưởng ở mức cao hơn mặt bằng chung cả nước, nhưng đang giảm tốc so với chính TP HCM năm trước.

Thương mại dịch vụ tăng mạnh nhất năm qua, gần 6,8%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Nông lâm thủy sản và công nghiệp - xây dựng tăng lần lượt 1,53% và 4,42%.

Doanh thu du lịch đạt trên 160.000 tỷ đồng, cao hơn 25% so với 2019. Riêng lữ hành xác lập doanh thu mới, vượt mức đỉnh năm 2022 khoảng 1.000 tỷ đồng.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022