Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do S&P Global công bố hôm 2/1 cho thấy hoạt động nhà máy tại hầu hết nền kinh tế châu Á vẫn đi xuống tháng cuối 2023, khi PMI dưới 50 điểm. Hàn Quốc ghi nhận PMI đạt 49,9 điểm trong tháng 12. Sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc) co lại tháng thứ 12 liên tiếp. Tương tự, sản xuất của Malaysia cũng yếu đi.
PMI của Trung Quốc do Caixin công bố cho thấy sản xuất bất ngờ tăng tốc trong tháng 12. Tuy nhiên, chỉ số chính thức do giới chức công bố hôm 31/12 lại giảm tháng thứ ba liên tiếp, khi chỉ được 49 điểm.
Giới phân tích nhận định triển vọng kinh tế trái chiều của Trung Quốc vẫn đang phủ bóng lên các đối tác thương mại lớn của nước này. "Nhìn chung, sản xuất của Trung Quốc đã cải thiện trong tháng 12, khi nhu cầu và nguồn cung tăng, giá ổn định", Wang Zhe - nhà kinh tế học cấp cao tại Caixin Insight Group nhận định.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc làm vẫn đang là thách thức lớn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các doanh nghiệp cũng đang lo lắng về triển vọng. Điều này khiến họ thận trọng khi tuyển dụng, mua sắm nguyên liệu thô và quản lý hàng tồn kho.
Công nhân tại một nhà máy xe điện của NIO ở An Huy (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Vài tháng gần đây, Bắc Kinh công bố hàng loạt biện pháp để đẩy nhanh đà phục hồi hậu đại dịch. Tuy nhiên, quá trình này chưa có nhiều tiến triển, do khủng hoảng bất động sản kéo dài, nợ chính quyền địa phương lớn và nhu cầu bên ngoài yếu.
Sản xuất tại châu Á kém lạc quan, nhưng các số liệu khác lại chỉ ra đà phục hồi hậu đại dịch ở đây đang tăng tốc. Số liệu hôm 1/1 cho thấy GDP Singapore tháng 12 tăng so với cùng kỳ 2022 nhờ xây dựng và sản xuất hồi phục.
Xuất khẩu của Hàn Quốc cũng khởi sắc trong tháng 12, dù mức tăng không nhiều do nhu cầu từ Trung Quốc yếu, ảnh hưởng đến doanh số chip bán dẫn bùng nổ toàn cầu.
Hà Thu (theo Reuters)