Hơn 17.100 tỷ đồng được nhà đầu tư nước ngoài giải ngân trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuần trước, trong khi mức bán ra khoảng 14.100 tỷ. Dòng vốn ngoại chủ yếu tìm đến cổ phiếu ngân hàng bởi đặc tính rủi ro thấp, thanh khoản cao và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn hóa thị trường.

MBB và VPB dẫn đầu với giá trị hút ròng lần lượt 1.086 tỷ và 416 tỷ đồng. Trong khi đó, MSB là cổ phiếu có chuỗi mua ròng dài nhất từ nhà đầu tư nước ngoài với 14 phiên liên tục, giúp thị giá nhích thêm 4% và có thời điểm vượt ngưỡng cản 12.000 đồng.

Những cổ phiếu đầu ngành trong rổ VN30 cũng chứng kiến vốn ngoại quay lại. Sau khi bị xả hàng quyết liệt từ đầu năm, FPT hút ròng hơn 860 tỷ đồng. PNJ cũng được khối ngoại mua 6 phiên liên tiếp, trong đó có phiên hơn 250 tỷ đồng.

Dù chưa thay đổi được trạng thái bán ròng tính từ đầu năm, giao dịch của khối ngoại tuần qua được nhiều nhóm phân tích gọi là "tín hiệu đảo chiều" sau 2 năm miệt mài xả hàng.

"Diễn biến gần đây báo hiệu sự trở lại của dòng vốn tổ chức dài hạn và phù hợp với xu hướng quan tâm đến các thị trường mới nổi trong khu vực", ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc cấp cao Nghiên cứu chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán HSC nói.

Ông Dũng cho hay nhà đầu tư nước ngoài, gồm các quỹ offshore có trụ sở tại châu Âu, thời gian qua giải ngân rất tích cực. Đây là những nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng chưa đặt văn phòng giao dịch. Họ thường áp dụng chiến lược đầu tư dài hạn và phân bổ dần dần qua nhiều phiên, thay vì giải ngân toàn bộ trong một phiên.

Nói với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) - cũng cho biết trong số các quỹ đầu tư đã và đang tiếp xúc gần đây, phần đông đến từ châu Âu. Số lượng tổ chức tài chính, quỹ đầu tư tiếp cận tăng mạnh từ khi ngân hàng này nhận thêm khoản vay dài hạn của OPEC Fund, Standard Chartered, Mizuho, FMO...

Ngoài yếu tố khách quan là dòng vốn toàn cầu đang đảo chiều khi nhà đầu tư rút khỏi Mỹ để quay trở lại châu Âu và châu Á, chuyên gia HSC cho rằng có 3 yếu tố nội tại giúp thị trường chứng khoán Việt hấp dẫn các quỹ nước ngoài.

Thứ nhất, là định giá toàn thị trường P/E (hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu) dưới mức trung bình 5 năm, đồng thời thấp hơn so với một số thị trường trong khu vực. Điều này đồng nghĩa định giá thị trường đang tương đối rẻ.

Thứ hai, việc vận hành hệ thống giao dịch KRX là bước tiến lớn, nâng cao vị thế thị trường trong mắt các tổ chức xếp hạng. Khả năng FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9 vẫn hiện hữu.

Cuối cùng, sự ổn định về địa chính trị và định hướng chính sách kinh tế rõ ràng đang củng cố niềm tin cho dòng vốn ngoại, nhất là khi rủi ro thuế quan và chiến tranh thương mại dần lắng xuống. Các nhà đầu tư tổ chức đã bắt đầu quay lại xem xét yếu tố nội tại của nền kinh tế và từng doanh nghiệp.

chungkhoan-18-JPG-3287-1747585742.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=C3YAFcWPT6V1K3HrR2zpaw

Nhà đầu tư theo dõi bảng điện tử tại Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (quận 1, TP HCM) hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Là quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2013, đại diện AFC Vietnam Fund nói rằng các động thái của Chính phủ như quyết liệt đàm phán thuế, mở rộng ngoại giao, đẩy mạnh đầu tư công và kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước làm các nhà đầu tư ngoại như họ "cảm thấy an tâm hơn".

"Những phiên gần đây, chúng tôi mua vào các cổ phiếu hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công và theo dõi thêm nhóm bất động sản sau thời gian dài giảm giá bởi kinh doanh đình trệ", ông Vicente Nguyen - Giám đốc đầu tư nói.

Quỹ này trước đây tập trung vào cổ phiếu ngành may mặc, gỗ và thủy hải sản. Họ xem đây là những ngành trong nước có thế mạnh thực sự và hồi phục mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, rủi ro thuế quan buộc họ cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ trọng các nhóm ngành truyền thống để phân bổ vào doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng mới.

Nhận định dòng vốn ngoại có tín hiệu khả quan, nhưng đại diện AFC Vietnam Fund cho rằng cần quan sát diễn biến trong vài quý để kết luận liệu nhà đầu tư nước ngoài thực sự trở lại thị trường chưa. Sự thận trọng này bắt nguồn từ việc khối ngoại bán ròng đến 93.000 tỷ đồng trong năm 2024 - mức kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Xuyên suốt 2 năm, nhà đầu tư nước ngoài chỉ tạm dừng xả hàng duy nhất trong tháng 1/2024.

Theo ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, hai nút thắt quan trọng cần được giải quyết để tín hiệu đảo chiều của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành xu hướng ổn định và bền vững.

Trước hết, một kết quả đàm phán thương mại thuận lợi là yếu tố cốt lõi, đặc biệt khi giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 87% GDP. Thứ hai là cải cách các quy định liên quan đến IPO (chào bán lần đầu ra công chúng), cơ chế khuyến khích cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ nâng hạng thị trường trong năm nay.

"Dòng vốn nước ngoài ít bị ràng buộc bởi các ngưỡng kháng cự kỹ thuật ngắn hạn nên sự trở lại của họ có thể tạo ra nhiều đợt bứt phá cho VN-Index trong thời gian tới. Chưa kể nếu xu hướng này tiếp diễn, vốn có thể dần dịch chuyển sang phân khúc vốn hóa trung bình và nhỏ, thay vì chỉ tập trung vào bluechip", ông Dũng nói.

Phương Đông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022