Ngày 16/5, Đại học Michigan công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng sơ bộ của Mỹ giảm 2,7%, xuống 50,8 điểm trong tháng 5. Đây là mức thấp thứ hai trong lịch sử 70 năm của cuộc khảo sát này, chỉ nhỉnh hơn đáy 50 điểm ghi nhận hồi tháng 6/2022. Khi đó, lạm phát Mỹ chạm đỉnh 41 năm.

Việc này cho thấy người tiêu dùng vẫn bi quan về nền kinh tế, sau khi Tổng thống Donald Trump liên tiếp áp thuế nhập khẩu lên các đối tác thương mại. Niềm tin tiêu dùng đã giảm liên tiếp vài tháng qua. Tính từ tháng 1, chỉ số này mất gần 30%.

"Người dân rõ ràng đang chuẩn bị cho sự bất ổn trong chính sách thuế nhập khẩu", Joanne Hsu - Giám đốc bộ phận Khảo sát Người tiêu dùng tại Đại học Michigan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 16/5.

us-shopper-reuters-2-174754938-9077-3621-1747549615.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=T8s25GTYwrE0r7XILk45Xw

Người dân mua sắm trong một trung tâm thương mại ở Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: Reuters

75% số người tham gia khảo sát đề cập đến thuế, tăng so với mức 60% trong tháng 4. Người tiêu dùng Mỹ cũng cho rằng thuế sẽ khiến họ tốn thêm chi phí. Lạm phát trong 12 tháng tới được dự báo lên 7,3% - tăng so với mức 6,5% tháng 4.

"Việc người dân bi quan về hướng đi của nền kinh tế hoàn toàn có thể hiểu được. Ngoài đàm phán các thỏa thuận thương mại, chính phủ cũng cần truyền thông cho họ về mục đích và hiệu quả của các chính sách", Elizabeth Renter - chuyên gia kinh tế tại NerdWallet cho biết trên CNN.

Dù vậy, các nhà kinh tế học dự báo tâm lý tiêu dùng có thể sẽ cải thiện. Vài tuần qua, Mỹ liên tiếp công bố thỏa thuận thương mại với Anh và Trung Quốc, đồng thời bày tỏ lạc quan trong đàm phán với nhiều quốc gia khác.

Hsu cho biết nhiều chỉ số khảo sát đã ghi nhận dấu hiệu cải thiện sau khi thỏa thuận Mỹ - Trung Quốc được công bố. "Nhưng các tín hiệu ban đầu này là quá nhỏ để thay đổi bức tranh tổng thể", bà viết trong báo cáo ngày 16/5.

Gần ba năm trước, lạm phát ở mức cao, nhưng thị trường lao động vẫn mạnh và người tiêu dùng có khả năng chi tiêu. Lần này có thể không như vậy, Hsu cảnh báo.

"Người dân lo ngại thị trường lao động sẽ suy yếu. Ngày càng nhiều người cho biết thu nhập của họ đã bị ảnh hưởng. Đây chắc chắn là dấu hiệu đáng lo ngại, cho thấy khả năng chống chịu của họ đã rạn nứt", bà kết luận.

Hà Thu (theo CNN, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022