Mùa dịch này, nhân viên của Bliss chia làm hai, gồm nhóm sản xuất 3 tại chỗ từ 21/6 sống ở nhà máy và nhóm làm việc từ xa tại nhà. "Điểm chung của cả hai nhóm là tâm lý thấy bị gò bó vì thiếu tự do", bà Đào Phương Thảo, Đồng sáng lập thương hiệu kem Bliss nhận xét.
Riêng những nhân viên đi cách ly tập trung hay có người nhà nguy kịch lại càng căng thẳng. "Tâm trạng thường thấy của họ là buồn bã, dễ dẫn đến rối loạn lo âu nếu không có sự chia sẻ kịp thời", bà cho biết thêm.
Những trường hợp như công ty bà Thảo không hiếm và ngày càng có nhiều lao động nói rằng họ cần sự trợ giúp về tâm lý. Hai cuộc khảo sát gần đây của hãng tuyển dụng Adecco Việt Nam ghi nhận, 80% nhân viên chia sẻ rằng họ rất xem trọng vấn đề sức khỏe tinh thần. Với nhóm lao động có con nhỏ, 30% cha mẹ coi hỗ trợ sức khỏe tâm thần là một trong ba ưu tiên hàng đầu.
Khảo sát thực hiện vào tháng 7/2021 của Adecco Việt Nam.
Bà My Holland, Huấn luyện viên và Giám đốc điều hành EQuest Asia khuyến nghị các công ty nên cung cấp các chương trình hỗ trợ cho nhân sự của mình lúc này. "Cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu về mặt cảm xúc là điều cần thiết với tất cả các bên, cả sức khỏe của nhân viên lẫn năng suất của công ty", bà nói.
Một số công ty đã tất bật hành động. Phổ biến nhất là các mô hình "trung tâm tâm lý trực tuyến". Trong đó, "sống an mùa dịch" là một chủ đề thuộc chuỗi workshop được Payoo tổ chức từ giữa tháng 8. Diễn ra vào "Thứ 6 vui vẻ" hàng tuần, chuỗi workshop qua Zoom thu hút khoảng 200 nhân viên tham dự mỗi buổi, nhằm tìm kiếm cân bằng tâm lý và rèn luyện sức khỏe.
Ngoài giao lưu với chuyên gia, công ty này còn tổ chức các buổi "yoga cười" và các liệu pháp cân bằng tâm lý khác. Loạt hoạt động được triển khai khi trải qua 3 tháng làm việc tại nhà, lãnh đạo công ty nhận ra tâm lý bức bối, ít tương tác của nhân viên.
"Chúng tôi hy vọng rằng chuỗi workshop và những nỗ lực đi cùng nhân viên trong giai đoạn này sẽ có tác dụng như một "liều vaccine tinh thần", tăng cường giao tiếp lành mạnh để cùng nhau đi qua những khó khăn", đại diện công ty nói.
Apple Music Việt Nam thì có chương trình tập trung xây dựng đời sống hạnh phúc về thể chất và tâm lý của nhân viên. Bên cạnh những bài tập rèn luyện sức khỏe trước đây, nhiều nội dung mới dưới hình thức khoá học, podcast, talk ngắn về tâm lý đã được triển khai.
"Làm sao có thể làm việc khi gia đình có trẻ nhỏ" hoặc "Kỹ năng cải thiện sức bền, sự hồi phục trong công việc (resilience)"...là vài chủ đề ví dụ. Ngoài ra, chương trình này cũng cho phép nhân viên tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý trực tuyến với chuyên gia khi có yêu cầu và đặt hẹn trước.
Một buổi huấn luyện trực tuyến của Dale Carnegie Việt Nam. Ảnh chụp màn hình
Cùng với trị liệu trực tuyến, học tập trực tuyến trong mùa dịch cũng được xem là giải pháp tâm lý hiệu quả. Payoo cho biết, thời gian này nhiều nhân viên bắt đầu tranh thủ để tham gia các khóa học trực tuyến để nâng cao kiến thức và chuyên môn. Điển hình như lớp học tiếng Nhật tổ chức do đồng nghiệp người Nhật đứng lớp giảng dạy, được nhiều nhân viên hào hứng tham gia.
Đại diện từ Dale Carnegie Việt Nam - tổ chức đào tạo huấn luyện lĩnh vực phát triển con người trong môi trường làm viêc - cho biết, từ tháng 7 đến tháng 9, đơn vị này đã ghi nhận mức tăng gấp 2 lần nhu cầu đào tạo trực tuyến cho cá nhân.
Tất nhiên, để thích ứng với mùa dịch, đồng thời giữ đúng chất lượng huấn luyện tương đương với các lớp trực tiếp, tránh cho học viên ngán ngẩm khi tham dự, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, CEO Dale Carnegie Việt Nam cho rằng đã liên tục cải tiến mô hình Live Online Learning (LOL) được triển khai từ năm 2017.
Theo đó, họ tăng các trải nghiệm thú vị, thoát khỏi các khuôn khổ lỗi thời của đào tạo online và bổ sung thêm các yếu tố bỏ nhỏ nhẹ nhàng tạo tương tác giữa những người học mới. Tất cả nhằm mục tiêu vừa giúp mọi người nâng cao năng lực, vừa giúp họ kết bạn mới để hạn chế tâm lý cô đơn, trầm cảm.
Anh Lê Trịnh Minh Phương, Giám đốc Công ty Kế toán Tài chính Fata, một học viên cho biết, khóa học khá hiệu quả và hữu ích vì tổ chức trực tuyến nhưng vẫn sinh động như khi học trực tiếp.
Ngoài ra, các hỗ trợ ngoại tuyến cho điều kiện sống của nhân viên cũng được xem là một cách khác. Bà Phương Thảo cho biết, do 3 tại chỗ, đời sống nhân viên có nhiều giới hạn hơn so với bình thường, nên việc chăm sóc tâm lý của họ tập trung vào chất lượng đời sống bằng: thức ăn, điều kiện sinh hoạt và giải trí.
Phương châm 3 tại chỗ của công ty là "tạo môi trường như đi nghỉ dưỡng". Họ cho phép nhân viên biểu quyết để chọn thực đơn yêu thích. Nhân viên được quyền thay cơm phần thành miến cua, phở bò, bún thịt nướng và tráng miệng bằng trà sữa trân châu, trà đào. Họ còn tổ chức các buổi cắm trại tại chỗ, sự kiện ca hát.
Với nhóm nhân viên làm việc tại nhà, công ty sẽ hỏi thăm hàng tuần và giao món ăn để lao động tiết kiệm thời gian vào bếp. Theo bà Phương Thảo, việc giúp đỡ trong thời gian này mang tính chất xem nhau như gia đình. "Ngoài phần lương và thưởng thêm cho nhóm làm việc 3 tại chỗ thì những việc chia sẻ như trên đã khích lệ tinh thần họ rất nhiều", bà nói.
Nghiên cứu "Sáng tạo mang tính Xã hội" của Dale Carnegie Việt Nam cũng cho biết, trong số những người được hỏi đã chuyển sang làm việc từ xa trong trường hợp khẩn cấp Covid-19, có 30% cho biết họ nói chuyện với một nhóm đồng nghiệp ít hơn so với khi họ làm việc trực tiếp tại văn phòng. Vì thế, theo nghiên cứu này, "việc đảm bảo nhân viên cảm thấy được kết nối trong mùa dịch là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ và sự sáng tạo"
Viễn Thông