Nội dung này nêu tại dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA). Theo đó, mô hình DPPA vẫn theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia.

Điểm mới là nhà chức trách mở rộng các loại hình năng lượng tái tạo được mua bán trực tiếp qua đường dây riêng (tức không qua EVN). Theo đó, năng lượng tái tạo tham gia cơ chế này gồm điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định.

Điện rác chưa được đưa vào cơ chế này do chưa có quy định rõ ràng là năng lượng tái tạo hay không, theo Bộ Công Thương. Loại năng lượng này sẽ được bổ sung trong trường hợp cấp có thẩm quyền chấp nhận.

Trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà từng yêu cầu Bộ Công Thương khi xây dựng dự thảo Nghị định cần mở rộng loại năng lượng tái tạo tham gia mua bán điện trực tiếp, không qua EVN. Tức là, các dự án năng lượng mặt trời mái nhà hay rác, sinh khối không giới hạn công suất có thể nằm trong nhóm được thực hiện cơ chế này và được mua bán trực tiếp qua đường dây riêng.

img-2744-jpg-1594916693-159491-3217-8428-1718598286.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-7RBO9pytDnejuefNC47Ug

Một góc hệ thống điện mặt trời áp mái tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: Nami Solar

Hiện, cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Việc mở ra hướng điện mặt trời mái nhà có thể tham gia mua bán điện trực tiếp sẽ gỡ vướng cho loại hình năng lượng này, bên cạnh chính sách khuyến khích phát triển tự sản, tự tiêu đang được Bộ Công Thương soạn thảo.

Cũng theo dự thảo, dự án điện gió, mặt trời muốn tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới quốc gia phải có công suất trên 10 MW.

Lý giải về giới hạn 10 MW, tại cuộc họp tuần trước, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết theo mô hình DPPA, đơn vị phát năng lượng tái tạo sẽ tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Do đó, mức giới hạn công suất này là điều kiện thuận lợi để họ tham gia vào thị trường. Thời gian tới, khi vận hành trơn tru, giới hạn này có thể tiếp tục xem xét bỏ hoặc quy định thấp hơn.

Tại dự thảo, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất bên mua cho hai hình thức là khách hàng sử dụng điện lớn, có nhu cầu dùng từ 500.000 kWh mỗi tháng trở lên. Riêng mua qua lưới quốc gia, đơn vị bán lẻ điện sẽ được tham gia thị trường. Tổ chức, cá nhân được mua điện để dùng, không bán lại cho bên khác.

Lãnh đạo Bộ Công Thương từng cho biết việc lựa chọn ngưỡng sử dụng trên nhằm hài hòa nhu cầu của khách hàng và tác động tài chính với EVN. Theo khảo sát từ các tổng công ty điện lực, khách hàng lớn sử dụng từ 1 triệu kWh một tháng trở lên chiếm 26% tổng tiêu thụ, còn dùng từ 500.000 kWh trở lên khoảng 30%.

Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Heineken, Nike có nhu cầu tham gia có tổng sản lượng tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000 kWh mỗi tháng.

Khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn muốn mua điện trực tiếp, tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Cùng đó, 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022