Hiện, dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng dùng điện lớn (DDPA) quy định khách hàng mua bán điện trực tiếp là tổ chức, cá nhân sử dụng điện sản xuất công nghiệp. Còn phía cung ứng nguồn điện là các nhà máy điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) nối lưới có công suất hơn 30 MW. Hộ gia đình chưa được mua điện trực tiếp.
Tại cuộc họp về dự thảo này chiều 10/4, ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ phó Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), nói nhiều khách hàng khác khác cũng muốn tham gia cơ chế này. Đồng thời, đối tượng bán, theo ông cũng nên mở rộng sang các loại năng lượng khác, thay vì chỉ có nhà máy điện gió, mặt trời.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp ngày 10/4. Ảnh: Bộ Công Thương.
Phản hồi, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói Nghị định có thể mở rộng các đối tượng mua nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, với các đối tượng bán, cần cân nhắc để có thể khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, điện sạch gồm nắng gió, sinh khối, thủy điện.
Về công suất, ông lưu ý nên xem xét mở theo hướng không giới hạn, nhưng cần đảm bảo thuận lợi cho truyền tải. "Không giới hạn về công suất nhưng phải giới hạn về loại hình điện năng, đó là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm tạo thuận lợi cho các bên", ông nói.
Cơ chế DDPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng cơ chế này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng Việt Nam.
Thực tế, dự thảo thí điểm DDPA từng được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến cách đây hai năm, với công suất thí điểm ban đầu 1.000 MW. Ở thời điểm đó, nhiều tập đoàn lớn như Samsung đề xuất được tham gia. Tuy nhiên, đến nay cơ chế này vẫn chưa được ban hành.
Hôm nay, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ này đã triển khai xây dựng DPPA từ năm 2019, có tham khảo tư vấn trong và ngoài nước. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý xây dựng Nghị định và giao cho Bộ Công Thương thực hiện.
Hiện Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định của Chính phủ về DPPA và đề cương dự thảo Nghị định của Chính phủ về DPPA.
"Đây là vấn đề rất cần kíp với Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài", Bộ trưởng nói, thêm rằng nếu không có cơ chế khuyến khích này sẽ khiến việc đầu tư nguồn điện chậm so với tiến độ, ảnh hưởng an ninh năng lượng điện.
"Tinh thần là phải làm khẩn trương. Thủ tướng đã chỉ đạo phải làm theo cơ chế rút gọn, rút ngắn về thời gian nhưng phải đảm bảo chất lượng, đúng quy định pháp luật", ông nói.
Góp ý dự thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Nghị định là cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng. Ông lưu ý Nghị định cần quy định rõ quy trình thủ tục, quyền và trách nhiệm các bên. Cùng đó, các thủ tục hành chính cần rõ ràng, dễ thực hiện.
Còn theo ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), DPPA không thể tách rời các quy định về đầu tư, quy hoạch và cơ chế phát triển điện lực, giá điện, truyền tải tại Việt Nam.
Dự kiến, cuối tháng 4, đầu tháng 5, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ dự thảo này.
Phương Dung