Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị yêu cầu xóa bỏ hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh chậm nhất trong 2026. Các hộ, cá nhân kinh doanh sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang tự kê khai, nộp thuế trên doanh thu thực tế.

Tại bản tổng hợp ý kiến góp ý cho dự án Luật Quản lý thuế (thay thế), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) đề xuất Bộ Tài chính triển khai lộ trình chuyển đổi với hộ kinh doanh từ hình thức thuế khoán sang tự kê khai trong 5 năm với 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn đầu (khoảng hai năm đầu), theo VASS, Nhà nước cần hoàn thiện pháp lý, nền tảng kỹ thuật, phần mềm kế toán... Trong giai đoạn này, Viện đề nghị Nhà nước hỗ trợ miễn phí phần mềm, chi phí thiết bị đầu vào (máy tính bảng, mạng Internet) và trợ cấp chi phí đào tạo (kỹ năng ghi chép sổ sách, kê khai) cho các hộ kinh doanh nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn đầu triển khai.

Giai đoạn hai (2 năm tiếp theo), hình thức kê khai dự kiến được mở rộng bắt buộc với các hộ có doanh thu ở mức nhất định, nhưng cần đi kèm các ưu đãi như giảm 20-30% thuế trong năm đầu, hỗ trợ chi phí thuê kế toán.

Về mặt kỹ thuật, VASS cho rằng nhà điều hành cần nâng cấp hệ thống quản lý thuế tại địa phương, tích hợp nền tảng kê khai - thanh toán - nộp thuế và tiếp tục đào tạo kỹ năng tài chính - số cho hộ kinh doanh.

Giai đoạn ba (năm cuối của lộ trình 5 năm) là quá trình chuẩn hóa và kết thúc hoàn toàn chế độ thuế khoán trên toàn quốc. Sang giai đoạn này, hộ kinh doanh dự kiến được tích hợp vào hệ thống quản lý thuế quốc gia như các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ công cụ kế toán điện tử tự động và tiếp tục hưởng ưu đãi thuế khi chuyển đổi sang doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Viện đề nghị Nhà nước hỗ trợ tài chính cho các hộ ở vùng khó khăn trong quá trình chuyển đổi, thúc đẩy chính sách bảo hiểm xã hội, tín dụng, đào tạo lao động cho các hộ đã chính thức hóa.

dsc04290-1752813823-1752813831-8008-1752813876.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hOxqVirmKh1L-p1JRDvbNQ

Chợ Đồng Xuân. Ảnh: Hoàng Giang

Việt Nam hiện có trên 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra 8-9 triệu việc làm, tương đương với khối công ty tư nhân. VASS cho rằng việc xóa bỏ chế độ thuế khoán là cần thiết, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa quản lý tài chính công. Việc này cũng đảm bảo công bằng, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.

Song cơ quan này lo ngại trình trạng quá tải hệ thống có thể xảy ra khi hàng triệu hộ kinh doanh cùng chuyển đổi trong giai đoạn đầu triển khai (2025-2026).

Do đó, VASS cũng khuyến nghị cơ quan quản lý đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ và đào tạo đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, chi phí tuân thủ quy định mới cũng là yếu tố cần phải xem xét, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp.

Phản hồi về góp ý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết Nghị quyết 198 yêu cầu xóa bỏ hình thức khoán thuế từ đầu 2026. Chính vì vậy, Luật Quản lý thuế sẽ phải sửa đổi quy định về chính sách quản lý thuế với hộ kinh doanh để thực hiện theo phương pháp tự kê khai từ thời điểm này.

Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) cần nghiên cứu kỹ lộ trình áp dụng phù hợp, tránh gây xáo trộn hoặc quá tải cho người kinh doanh, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bởi đây là nơi kinh tế còn mang tính tự cấp, tự túc và người dân có hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin.

Bộ này cũng kiến nghị cần có cơ chế loại trừ phù hợp với thực tiễn tại một số địa phương, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong triển khai chính sách và tránh tạo rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước đó, Cục Thuế cho biết định hướng từ năm sau, họ sẽ phân loại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo 4 nhóm doanh thu để quản lý. Cụ thể, nhóm 1 là các hộ có doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế, được khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử và chỉ cần ghi chép thu chi đơn giản. Nhóm 2 có doanh thu từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng một năm, được khuyến khích dùng hóa đơn điện tử từ năm 2027-2028 và cũng chỉ cần ghi chép đơn giản.

Nhóm 3 gồm các hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có doanh thu 1-3 tỷ đồng, và trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu từ 1-10 tỷ đồng một năm. Nhóm này bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử và thực hiện chế độ kế toán đơn giản. Còn lại nhóm 4 là các hộ có doanh thu trên 10 tỷ đồng một năm, bắt buộc dùng hóa đơn điện tử và phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán theo quy định.

Cũng góp ý về quản lý thuế với hộ kinh doanh, UBND TP Hà Nội đề xuất quy định bắt buộc các hộ phải đăng ký tài khoản ngân hàng và sử dụng giao dịch điện tử phục vụ riêng cho hoạt động kinh doanh. Theo cơ quan này, việc tách bạch dòng tiền cá nhân và kinh doanh là điều kiện tiên quyết để minh bạch nguồn thu, từ đó tạo thuận lợi cho cơ quan thuế trong theo dõi, xác định nghĩa vụ thuế.

Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh dự thảo Luật Quản lý thuế, trong đó đưa ra mô hình quản lý thuế phù hợp với đặc thù của hộ kinh doanh, bảo đảm minh bạch, khả thi trong triển khai thực tế.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022