Nhận định này được bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng phân tích FiinGroup đưa ra, sau khi đã phân tích các yếu tố định giá, dòng tiền trong tọa đàm "Năm Rồng gồng lãi" do DNSE tổ chức chiều 12/4. Bên cạnh bà Vân, chương trình quy tụ nhiều chuyên gia gồm bà Nguyễn Ngọc Linh - Giám đốc tự doanh DNSE, ông Hồ Sỹ Hòa - Trưởng phòng tư vấn đầu tư DNSE, ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập FinPeace.

Sau khi phân tích các điểm tựa vĩ mô cùng nhịp chỉnh ngắn hạn, bà Vân nhận định, cổ phiếu bất động sản, điện, xây dựng có thể thu hút dòng tiền trong ngắn hạn. Đặc biệt, tỷ trọng phân bố dòng tiền ngành bất động sản đã nhen nhóm tín hiệu trở lại và còn dư địa phát triển.

"Câu chuyện hỗ trợ thị trường và các điểm tựa vĩ mô có thể chất xúc tác giúp nhóm cổ nhiều này tăng trưởng", bà Nguyễn Ngọc Linh - Giám đốc tự doanh DNSE bổ sung thông tin.

original-7def8ccf-08c6-4a92-84-2416-4036-1713009932.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e4KEcQP9lV1Kb6a-fYmUsA

Các chuyên gia trong tọa đàm "Năm Rồng gồng lãi". Ảnh: DNSE

Về dài hạn, ngành ngân hàng vẫn sẽ là lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm. Theo dữ liệu FiinGroup đến đầu tháng ba, chỉ số giá ngành ngân hàng tăng khoảng 17% từ đầu năm 2024, cao hơn mức tăng của VN-Index (11%) cũng như của một số ngành chủ chốt gồm chứng khoán (12%), thép (10%) và bất động sản (4%).

Trải qua đợt tăng điểm đầu năm, dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu này có dấu hiệu rút đi, nhưng lâu dài, cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể là tâm điểm. Chuyên gia cho rằng cho rằng, có thể sau khi có kết quả kinh doanh quý I, các ngân hàng nhóm đầu về vốn hóa, nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều thông tin để đánh giá và đưa ra các kỳ vọng mới.

Ngoài các câu chuyện liên quan đến dòng tiền ngoại hay kế hoạch trả cổ tức, sự cải thiện về chất lượng tài sản khi tín dụng tăng trở lại và các tín hiệu hồi phục về vĩ mô trở nên vững chắc hơn sẽ giúp gia tăng dòng tiền và tạo động lực về giá ở cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.

Bổ sung thông tin, Trưởng phòng phân tích dẫn chứng về mức định giá của thị trường. Sau 5 tháng tăng điểm liên tiếp, định giá thị trường đang ở mức trung bình 5 năm, trong đó, có sự phân hóa của nhóm phi tài chính và ngân hàng.

Cụ thể, với việc đóng góp khoảng 40% lợi nhuận, ngành ngân hàng đang giao dịch với P/E dưới trung bình năm năm. Tuy nhiên, điều này không hàm ý cổ phiếu ngành này đang rẻ. Còn nhóm cổ phiếu phi tài chính đang quay trở lại vùng đỉnh lịch sử, trong đó, có các cổ phiếu tăng hàng chục phần trăm, thậm chí tăng bằng lần trong thời gian gần đây.

Bên cạnh nhóm ngành triển vọng, các chuyên gia tại tọa đàm cũng chia sẻ về câu chuyện tỷ giá cùng như lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Vân chỉ ra, lực bán của nhà đầu tư nước ngoài khá dồn dập trong thời gian gần đây, chủ yếu là dòng tiền chủ động. Tuần qua là tuần thứ 12 liên tiếp khối ngoại bán ròng, khoảng 16.000 tỷ đồng. Thời điểm này vào cuối quý I, cũng trùng khớp với thời gian các quỹ ngoại chốt lời.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Linh nhận định, lực bán ròng đến từ dòng tiền chủ động, tạo áp lực lên thị trường chung, lực cầu giúp VN-Index tăng điểm chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân.

Lý do bán ròng của khối ngoại được chuyên gia chỉ ra dựa trên xu hướng chung khi dòng tiền đổ vào các thị trường phát triển như Mỹ, Trung Quốc, trong khi yếu đi ở châu Á.

"Biến động tỷ giá, hay giỏ hàng cổ phiếu kém hấp dẫn - thiếu các cổ phiếu nhóm công nghệ, bán dẫn, tăng trưởng xanh cũng là nguyên nhân khiến khối ngoại xả hàng", chuyên gia chia sẻ.

Theo các chuyên gia tại tọa đàm do DNSE tổ chức, đợt điều chỉnh trong nửa cuối tháng ba đầu tháng tư chỉ mang tính ngắn hạn, tích lũy. Xu hướng tăng vẫn là tâm điểm chính của thị trường. Tháng 4 cao điểm mùa báo cáo tài chính quý I và đại hội cổ đông với các chủ đề liên quan tăng trưởng như kế hoạch tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh vẫn sẽ thu hút sự quan tâm của dòng tiền. Trong giai đoạn thị trường điều chỉnh, nhà đầu tư nên tập trung vào bức tranh lớn và triển vọng tăng trưởng ở từng cổ phiếu để lựa chọn vùng giá tích lũy phù hợp.

Thảo Vân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022