Khác với mọi năm, mở màn đại hội cổ đông Công ty cổ phần Thế Giới Di Động chiều ngày 13/4 năm nay là lời cám ơn và xin lỗi của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đức Tài.

"Tôi cám ơn những cổ đông đã đủ niềm tin ở lại với MWG dù doanh nghiệp có nhiều biến động, song, cũng xin lỗi vì năm qua đã không đem lại hiệu quả đầu tư cho mọi người", ông Tài bộc bạch.

Theo ông Tài, sau những năm tái cấu trúc toàn diện hệ thống, năm nay doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả. Công ty đang vận hành đúng hướng và tự tin là sức mua tăng hay giảm, "nước vẫn đổ về chỗ trũng". Ngoài tập trung cải thiện về dịch vụ và sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, công ty còn tiếp tục giảm mạnh các chi phí lớn như logistics hay vận hành cửa hàng.

Trong số vài chục câu hỏi về các công ty con của Thế Giới Di Động, phần lớn cổ đông quan tâm nhiều nhất về hoạt động kinh doanh và bán vốn tại Bách Hóa Xanh.

"Bách Hóa Xanh khi nào có lợi nhuận 1.000 tỷ", "Công ty có kế hoạch nâng tỷ lệ bán vốn Bách Hóa Xanh lên 20% không?" "Bách Hóa Xanh có mở thêm cửa hàng trong năm nay"... là những câu hỏi được cổ đông chất vấn.

Đáp lại, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng nếu muốn bán vốn lên 10-20%, đợt chào bán vừa qua công ty đã không chốt tỷ lệ 5%.

"Bách Hóa Xanh đã bắt đầu có lãi và không có lý do để nhận thêm tiền. Nếu Bách Hóa Xanh đạt lợi nhuận 1.000 tỷ đồng sẽ IPO lên sàn", ông Tài nói.

Việc quỹ ngoại mua 5% vốn Bách Hóa Xanh gần đây, theo lãnh đạo công ty không làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của danh nghiệp mà còn gia tăng nhiều lợi ích. Trong đó, quỹ đầu tư ngoại cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính, kết nối các nhà bán lẻ trong nước và trên thế giới với chuỗi. Hiện, dòng tiền từ đợt bán vốn trên đã bắt đầu "chảy" trực tiếp vào công ty.

Trong quý I, hoạt động kinh doanh chuỗi này đã có nhiều cải thiện vượt bậc. Bách Hóa Xanh đã bắt đầu có lợi nhuận. Từ này đến 2025, chuỗi sẽ mở thêm 100 cửa hàng và "đem tiền về cho mẹ". 2 năm tới, Bách Hóa Xanh có thể đạt lợi nhuận 1.000-2.000 tỷ đồng.

Năm 2023, doanh thu Bách Hóa Xanh đạt 31.600 tỷ đồng - lớn nhất trong các chuỗi bán lẻ tương tự trên thị trường. Các đối tác lớn của Bách Hóa Xanh, như Minh Phú, Kido, CP... đều thừa nhận đây là chuỗi mang lại doanh số bán lẻ lớn nhất cho họ.

Dẫu vậy, khi được hỏi về kế hoạch dài hơn là 5 năm tới cho chuỗi bán lẻ này, ông Tài không dám nói trước vì sợ nếu không đúng kỳ vọng cổ đông sẽ mất niềm tin.

Đối với chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, công ty cho biết đã trải qua đợt tái cấu trúc toàn diện và tối ưu về chi phí nên lợi nhuận quý I sẽ khả quan và cuối tháng 4 sẽ báo cáo cụ thể. Hai chuỗi này tiếp tục là trụ cột đóng góp khoảng 65% doanh thu và mang lại lợi nhuận chính cho công ty trong năm nay.

Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang, công ty dự kiến tăng trưởng doanh thu hai chữ số, điểm hòa vốn trước ngày 31/12. Trong đó, năm 2024, chuỗi nhà thuốc An Khang có thể bước vào giai đoạn mở rộng nếu vận hành ổn định, có hiệu quả và xây dựng được mô hình kinh doanh thành công. Chuỗi Avakids cũng tương tự.

Với chuỗi Era Blue (kinh doanh tại Indonesia) kỳ vọng trở thành nhà bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia trong năm nay.

screen-shot-2024-04-13-at-2-44-3498-2162-1713001431.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=noR4u9CMkI6t_3UIBYcVKg

Ông Nguyễn Đức Tài (ngoài cùng bên trái) trả lời cổ đông MWG chiều 13/4. Ảnh: Thi Hà

Đánh giá về sức mua trên thị trường chung, lãnh đạo MWG cho rằng không nhiều khả quan nhưng vẫn còn nhiều cơ hội cho công ty. Với tỷ trọng doanh thu và nhóm khách hàng lớn, công ty còn nhiều cơ hội gia tăng dòng sản phẩm, thực hiện các chương trình về khuyến mãi cùng các giải pháp tài chính tốt, giúp công ty tăng cả lượng và giá trị đơn hàng.

Ngoài chiếm ưu thế về offline, doanh nghiệp đẩy mạnh cả online và đang vạch ra các chiến lược cạnh tranh cho cả 2 phương thức này.

Năm nay, Thế Giới Di Động đặt kế hoạch doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, tăng 13,29 lần so với thực hiện trong năm 2023.

Để tăng giá trị sở hữu và lợi ích cho cổ đông, công ty sẽ sử dụng tối đa 100 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu đang lưu hành. Theo ông Tài, đây không phải là công cụ đỡ giá cổ phiếu. Bởi lẽ, bất chấp giá cổ phiếu lên cao hay xuống thấp, doanh nghiệp vẫn thực thi hoạt động này. Công ty ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định thời điểm, giá mua phù hợp với quy định pháp luật và điều kiện thị trường.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022