Mở cửa phiên giao dịch 3/4, cả ba chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ đều mất hơn 3%. Các chỉ số này tiếp tục đi xuống trong suốt phiên và kết thúc với mức giảm 4-6%.
Theo đó, DJIA giảm 1.682 điểm, tương đương 4%. S&P 500 mất 4,85%. Sụt giảm mạnh nhất là Nasdaq Composite với 6%.
Nhóm cổ phiếu đại gia công nghệ Mỹ lao dốc. Apple dẫn đầu đà giảm với 9,2%. Táo Khuyết sản xuất iPhone cùng nhiều thiết bị khác tại Trung Quốc và nhiều nước châu Á. Mã này đang trên đà ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020.
Meta Platforms và Amazon chốt phiên đều giảm gần 9%. Hãng chip Nvidia mất 7,8%. Hãng xe điện Tesla giảm 5,4%. Nvidia đang xây nhiều nhà máy chip mới tại Đài Loan. Chuỗi cung ứng của hãng này cũng phụ thuộc vào hoạt động lắp ráp tại Mexico. Cổ phiếu Microsoft và Alphabet mất 2-4%.

Nhân viên giao dịch làm việc trên sàn chứng khoán New York ngày 2/4. Ảnh: Reuters
Nhóm bán dẫn cũng không thoát khỏi tình trạng bán tháo. Marvell Technology, Arm Holdings và Micron Technology giảm 10-16%. Broadcom, Lam Research, AMD cùng mất 10%.
Các cổ phiếu bán lẻ cũng hạ sâu. Hãng trang phục thể thao Nike giảm tới hơn 14%, chuỗi siêu thị Target đi xuống gần 11%. Thương hiệu bán lẻ đồ thể thao Lululemon mất 9,5%. Ngoài bán lẻ, công nghệ, các nhóm cổ phiếu ngân hàng, xe hơi cũng chìm trong sắc đỏ.
Các chuỗi bán lẻ này phụ thuộc vào nguồn cung từ châu Á, trong đó có Trung Quốc. Theo công bố của Mỹ, hàng hóa từ Trung Quốc hiện chịu thuế tổng cộng 54%, Việt Nam bị áp 46%, Campuchia 49% và Indonesia 32%. Việc này có thể khiến các hãng phải nâng giá bán sản phẩm.
Càng về cuối phiên, các mã này càng bị bán tháo mạnh. Từ mức sụt quanh 1-5% ban đầu, cổ phiếu các nhà băng lớn của Mỹ như Citigroup, Bank of America và JPMorgan giảm 7-12% khi thị trường đóng cửa.
Nhà đầu tư bán cổ phiếu do lo ngại cuộc chiến thương mại toàn cầu xảy ra do các động thái của Mỹ. Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu lên toàn bộ đối tác thương mại của nước này, với mức 10-50%. Ông khẳng định thuế này "là tuyên bố về sự độc lập kinh tế của Mỹ".
Mức thuế đối ứng của Mỹ cao hơn nhiều so với dự báo. "Đây là kịch bản tồi tệ nhất về thuế nhập khẩu, chưa được phản ánh vào thị trường. Đó là lý do chúng ta thấy có phản ứng phòng trừ rủi ro", Mary Ann Bartels – chiến lược gia đầu tư tại Sanctuary Wealth nhận định.
Ngoài bán lẻ, công nghệ, các nhóm cổ phiếu ngân hàng, xe hơi cũng chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, mức giảm nhẹ hơn, quanh 1-5%.
Trên thị trường vàng, giá cũng biến động mạnh. Sau khi hạ gần 50 USD về sát 3.050 USD một ounce, vàng ngay lập tức quay đầu tăng, lên gần 3.140 USD. Tuy nhiên, chốt phiên giá kim loại quý lại giảm 19 USD về 3.114 USD.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)