Nỗi lo suy thoái do cuộc chiến thương mại toàn cầu mà Mỹ phát động khiến nhà đầu tư tiếp tục bán tháo tài sản rủi ro.

Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) hiện giảm 6,3%. Topix (Nhật Bản) mất 7%. Các mức giảm này đều thu hẹp so với đầu phiên. Tại Hàn Quốc, Kospi đi xuống 4,5%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng lao dốc. Chỉ số Shanghai Composite hiện giảm 5,5% - mạnh hơn đầu phiên. Hang Seng Index (Hong Kong) mất gần 9%.

Tại Đài Loan, giới chức sáng 7/4 phải kích hoạt cơ chế ngắt mạch trên thị trường chứng khoán, sau khi cổ phiếu TSMC và Foxconn giảm gần 10%. Đài Loan cũng là một trong các đối tác thương mại lớn của Mỹ, bị áp thuế đối ứng 32%.

S&P/ASX 200 của Australia mất 6% ngay khi mở cửa. Hiện mức giảm co lại, còn 4%. Từ phiên cuối tuần trước, chỉ số này hiện đã rơi vào vùng điều chỉnh, khi giảm 11% so với đỉnh tháng 2.

asian-stocks-1743993491-174399-3770-4735-1743993571.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5EcykeARuVhlwnyP6H842w

Các chỉ số chứng khoán đi xuống sáng 7/4. Ảnh: Lê Tuấn

Các chỉ số tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang đi xuống. DJIA tương lai hiện mất 1.200 điểm, tương đương 3,3%. S&P 500 và Nasdaq 100 tương lai giảm lần lượt 3,8% và 4,8%.

Các chỉ số tương lai trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng không thoát tình hình chung. EUROSTOXX 50 tương lai giảm 3%. FTSE tương lai (Anh) giảm 2,7% và DAX tương lai (Đức) hiện mất 3,5%.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/4 cho biết không lo lắng việc thị trường chứng khoán sụt giảm. "Tôi không muốn bất kỳ thứ gì đi xuống. Nhưng đôi khi bạn phải dùng thuốc để chữa trị", Trump nói khi so sánh chứng khoán Mỹ với "thuốc trị bệnh".

Quan điểm của Trump cũng trùng khớp với tuyên bố hôm 6/4 của Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Howard Lutnick rằng chính quyền vẫn sẽ áp thuế các đối tác thương mại lớn, ngay cả khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng tiết lộ đã có hơn 50 nền kinh tế đề nghị khởi động đàm phán từ khi ông Trump công bố thuế đối ứng.

Trước đó, ngày 5/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun cho biết trên trang cá nhân rằng "thị trường đã lên tiếng" về thuế nhập khẩu của ông Trump. Bài đăng của Guo đi kèm ảnh cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc.

Chứng khoán Mỹ bị bán tháo mạnh cuối tuần trước, sau khi Trung Quốc công bố đáp trả thuế nhập khẩu đối ứng. Trước đó, Canada cũng có động thái tương tự. Tuần trước cũng là lần đầu tiên trong lịch sử DJIA ghi nhận 2 phiên liên tiếp giảm trên 1.500 điểm. S&P 500 mất 5,9% - thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Nasdaq Composite - theo dõi nhiều cổ phiếu công nghệ - giảm 5,8%.

Trên thị trường tiền tệ, nhà đầu tư đổ xô mua tài sản trú ẩn, như yen Nhật Bản và franc Thụy Sĩ. Giá franc Thụy Sĩ hiện tăng hơn 0,6% lên 0,85 CHF một USD. Tuần trước, đồng tiền này tăng 2,3% so với đôla Mỹ.

Trong khi đó, giá USD giảm 0,45% so với yen. Hiện mỗi đôla Mỹ chỉ còn đổi được 146,2 yen. Đầu phiên 7/4, đồng bạc xanh có thời điểm mất giá hơn 1% so với nội tệ Nhật Bản.

Mở cửa phiên giao dịch 7/4, giá vàng thế giới biến động mạnh. Đầu phiên, giá có thời điểm xuống 2.980 USD một ounce - lần đầu tiên mất mốc 3.000 USD kể từ giữa tháng 3. Thị trường sau đó lập tức quay đầu tăng, hiện lên 3.041 USD.

Screenshot-2025-04-07-082431-1-4614-2237-1743989313.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZJCCnCoYYCw_4JoaURbfMw

Giá vàng thế giới sáng nay mất mốc 3.000 USD. Ảnh: Reuters

Tuần trước, thị trường giảm mạnh vài phiên liên tiếp, do nhà đầu tư bán chốt lời sau khi thị trường lập đỉnh tại 3.169 USD hôm 2/4 vì Mỹ áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại. Một nguyên nhân khác là các tài sản như chứng khoán mất giá, buộc nhà đầu tư bán bớt vàng để nộp thêm tiền vào tài khoản bị "call margin".

Diễn biến sáng nay cũng khớp với dự báo tuần trước của Kitco News. Giới chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục đi xuống trong ngắn hạn, vẫn vì hai lý do kể trên. Tuy nhiên, xu hướng tăng trong trung hạn còn nguyên do các yếu tố bất ổn chưa được giải quyết.

*Tiếp tục cập nhật

Hà Thu (theo CNBC, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022