Chanh là một trong những mặt hàng thực phẩm được Việt Nam xuất khẩu thành công sang New Zealand, sau khi thị trường này mở cửa năm ngoái. Đây là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhà hàng khách sạn - vốn phát triển mạnh tại quốc gia này.

Chia sẻ với VnExpress bên lề sự kiện Flavors Vietnam tuần trước, Đại sứ Tredene Dobson đánh giá Việt Nam – New Zealand có tiềm năng rất lớn trong ngành thực phẩm, đồ uống (F&B). Theo bà, đây là mối quan hệ hai chiều và được dự báo tiếp tục lớn mạnh thời gian tới.

80a0cbf147619a3fc370-167948090-7979-2490-1679481011.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0QYwc40b-pUDFGwLl3TOkA

Đại sứ Trendene Dobson. Ảnh: ĐSQ New Zealand

Đại sứ Trendene Dobson, cho biết các nhà hàng Việt Nam rất phổ biến tại New Zealand. "Người dân ở đây cũng yêu thích ẩm thực Việt. Điều đó tạo điều kiện cho các thực phẩm xuất khẩu sang đây, nhất là những nguyên liệu mà New Zealand không sản xuất như gạo, cà phê", bà nói.

Năm ngoái, New Zealand chính thức mở cửa nhập khẩu các sản phẩm họ cam quýt, tiêu biểu như bưởi, chanh từ Việt Nam, bên cạnh những trái cây đã có mặt tại thị trường này như thanh long, chôm chôm.

Theo bà Tredene Dobson, chanh Việt Nam từng được ví như "vàng xanh" ở New Zealand vì giá bán tương đối cao. Do không thể trồng được, 1 kg chanh tại đây thường có giá hơn 50 NZD, tương đương 31,1 USD (khoảng 700.000 đồng).

Ngoài chanh xanh, theo Đại sứ Tredene Dobson, người dân nước này cũng rất thích các loại trái cây nhiệt đới khác từ Việt Nam. "Tôi hy vọng được nhìn thấy những trái chanh leo do Việt Nam trồng sẽ xuất hiện tại các siêu thị hay nhà hàng của New Zealand", bà nói.

Để tận dụng cơ hội, bà cho rằng các doanh nghiệp Việt nên tìm hiểu kỹ thị trường, đặc biệt là những sản phẩm được người dân ở đây thích nhưng không thể sản xuất. Bà cũng khuyến khích các nhà sản xuất nông sản Việt hợp tác chặt chẽ với các đơn vị chế biến để gia tăng giá trị và giúp sản phẩm dễ dàng xuất khẩu hơn.

"Các sản phẩm tươi như trái chanh có lợi thế là dễ vận chuyển, nhưng lại có hạn sử dụng ngắn và khả năng chứa sâu bọ có hại không được cho phép", bà nói.

Theo trang dữ liệu OEC (trang trực quan hoá dữ liệu thương mại quốc tế hàng đầu thế giới), năm 2020, nông sản Việt Nam xuất sang New Zealand như dừa, hạt điều đạt khoảng 17,5 triệu USD; gạo 5,53 triệu USD; cà phê là 2,79 triệu USD. Các mặt hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống lại chiếm đa số trong cơ cấu hàng hóa New Zealand xuất sang Việt Nam.

"New Zealand mong muốn trở thành nhà cung cấp thực phẩm đáng tin cậy cho Việt Nam", bà Tredene Dobson nói. Năm ngoái, mặt hàng F&B chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của nước này sang Việt Nam.

"Hợp tác giữa hai nước trong cung ứng thực phẩm là hai chiều, chúng tôi có những thứ mà các bạn cần. Hàng hoá của hai nước cũng không trùng lặp, không cạnh tranh mà bổ sung nhau", bà chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, giữa hai nước không chỉ hợp tác thương mại những sản phẩm tiêu dùng ở cuối chuỗi cung ứng. Việt Nam và New Zealand còn cùng tham gia vào chuỗi giá trị F&B toàn cầu. Ví dụ, các doanh nghiệp cùng liên kết tham gia vào sản xuất bia với nguyên liệu nhập từ New Zealand, nhà máy tại Việt Nam, hàng hoá được xuất khẩu sang những nước khác.

"Ngoài thương mại hàng hoá, chúng tôi luôn cải tiến và đổi mới trong công nghệ. Kinh nghiệm của chúng tôi về công nghệ trong nông nghiệp sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho tiềm năng phát triển của Việt Nam", Đại sứ Tredene Dobson nói.

Phương Ánh

Từ ngày 22/2, eBox tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây. Là nền tảng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, eBox nhằm giúp các độc giả phát triển bản thân, nâng cao giá trị cuộc sống.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022