Hôm 20/1, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tính đến việc áp thuế nhập khẩu 25% với Mexico và Canada, có thể vào ngày 1/2.
Phản ứng với động thái này, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly nói "sẽ tiếp tục làm việc để ngăn các mức thuế", nhưng cũng khẳng định "đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa".
Bộ trưởng Tài chính Canada Dominic LeBlanc nói không có gì đáng ngạc nhiên về tuyên bố của ông Trump. "Đất nước chúng tôi sẵn sàng đối phó với bất kỳ kịch bản nào", ông khẳng định.
Tuy nhiên, theo AP, các nhà lãnh đạo Canada cũng bày tỏ sự nhẹ nhõm khi các mức thuế mới không được áp đặt ngay vào ngày đầu tiên ông Trump nhậm chức.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly và Bộ trưởng Tài chính Canada Dominic LeBlanc (phía sau). Ảnh: AP
Canada là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất thế giới, với 75% hàng xuất khẩu (gồm ôtô và phụ tùng) được bán sang Mỹ. Họ cũng là đối tác thương mại lớn nhất của 36 bang tại Mỹ. Mỗi ngày, gần 3,6 tỷ đôla Canada (2,7 tỷ USD) giá trị hàng hóa và dịch vụ qua lại biên giới.
Ông Trump tuyên bố rằng Mỹ không cần Canada nhưng thực tế một phần tư lượng dầu mà Mỹ tiêu thụ hàng ngày đến từ nước láng giềng. "Sẽ là một sai lầm nếu chính phủ Mỹ tiến hành áp thuế, xét về chi phí sinh hoạt, việc làm tại Mỹ và an ninh chuỗi cung ứng", Bộ trưởng Tài chính LeBlanc cảnh báo.
Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump cam kết áp thuế quan mới và nước ngoài sẽ phải chịu, dù thực tế các loại thuế này do các nhà nhập khẩu Mỹ chi trả và thường được chuyển sang cho người tiêu dùng.
Trong diễn đàn trực tuyến do Trường Harvard Kennedy tổ chức tuần trước, nhà kinh tế Lydia Cox tại Đại học Wisconsin-Madison mô tả thuế quan là "một công cụ khá thô bạo". Theo bà, thuế quan mang lại một số lợi ích tiềm năng cho các ngành được bảo hộ nhưng "tạo ra rất nhiều thiệt hại kèm theo".
Cùng với Canada, Mexico từng cảnh báo sẽ áp dụng thuế quan riêng với hàng xuất khẩu của Mỹ khi ông Trump nêu đe dọa trước thời điểm nhậm chức.
Phiên An (theo AP, NYT)