Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris 1 giờ đồng hồ sau nhậm chức vì cho rằng thỏa thuận này "chuyển tiền thuế của dân Mỹ sang các quốc gia không yêu cầu hoặc không xứng đáng được hỗ trợ tài chính".

Thành tích của Mỹ trong việc thúc đẩy cả mục tiêu kinh tế và môi trường nên là hình mẫu cho các quốc gia khác, thay vì tham gia vào một thỏa thuận toàn cầu, theo tân Tổng thống.

trump-ava-1737444767-173744478-6521-7211-1737445144.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yIXel1G6egKK_dJW44rv0g

Tổng thống Donald Trump ký loạt sắc lệnh tại Washington, Mỹ, 20/5. Ảnh: AP

Mỹ là nước phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Cuộc rút lui này được AP bình luận giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của các nước nhằm ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Bloomberg cho rằng nó dấy lên những câu hỏi vốn đã âm ỉ về việc, một khuôn khổ quốc tế như COP, dù đã tồn tại ba thập kỷ, có thể hoàn thành các cam kết đó hay không.

Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo khí hậu từ châu Âu cho rằng chính sách của một nước đơn lẻ không mạnh mẽ bằng hành động của toàn cầu. Động thái của Mỹ gây sốc nhưng "không một quốc gia nào theo chân họ rời đi", theo Alden Meyer, một nhà phân tích của tổ chức tư vấn châu Âu E3G.

Ngay trong nội bộ nước Mỹ, số người phản đối rút khỏi thỏa thuận khí hậu chiếm quá nửa, theo một cuộc thăm dò của AP. Thậm chí ngay trong Đảng Cộng hòa, 22% trên hơn 1.100 người được hỏi không ủng hộ cuộc rút lui của Mỹ.

Ở góc độ kinh tế, giới ủng hộ ông Trump cho rằng việc tham gia thỏa thuận trên có thể kéo lùi nền kinh tế Mỹ khi hầu hết các nước đều không đạt mục tiêu giảm phát thải carbon. Mặc dù vậy, giới phân tích dự đoán cuộc rời đi này có thể chuyển dịch cán cân quyền lực sang các quốc gia khác, như Trung Quốc, vốn lắp đặt công suất điện tái tạo ở quy mô kỷ lục và đang xuất khẩu công nghệ năng lượng không phát thải sang các quốc gia khác.

Bà Laurence Tubiana, Giám đốc Quỹ Khí hậu Châu Âu đồng thời là kiến trúc sư trưởng của Thỏa thuận Paris, nhìn nhận bối cảnh rút lui lần hai của Mỹ rất khác so với năm 2017. Động lực kinh tế đằng sau quá trình chuyển đổi toàn cầu, ví dụ công nghệ năng lượng sạch, mà Mỹ đã được một số thành tựu có nguy cơ mất đi.

Đồng tình với nhận định trên, ông Simon Stiell, Thư ký điều hành về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục nắm bắt sự bùng nổ năng lượng sạch toàn cầu.

"Việc bỏ qua cơ hội này đồng nghĩa với việc gửi tất cả khối tài sản khổng lồ đó cho đối thủ cạnh tranh, trong khi các thảm họa khí hậu như hạn hán, cháy rừng và siêu bão ngày càng trở nên tồi tệ hơn", Stiell nói và khẳng định "cánh cửa" Thỏa thuận Paris vẫn mở cho các quốc gia.

Nếu thực sự muốn nước Mỹ dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu, trở nên độc lập về năng lượng và tạo ra những công việc có mức lương tốt cho người Mỹ, tân Tổng thống phải "tập trung vào việc phát triển ngành năng lượng sạch đang giúp giảm chi phí năng lượng cho người dân trên khắp đất nước", theo Gina McCarthy - cựu cố vấn khí hậu của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Trái Đất đã tăng vượt ngưỡng cảnh báo khí hậu, với 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử. Mỹ, quốc gia phát thải nhiều thứ hai toàn cầu, thải 4,9 tỷ tấn CO2 vào không khí năm 2023, giảm 11% so với một thập kỷ trước, theo các nhà khoa học của Dự án carbon toàn cầu.

Do tính chất tồn tại trong khí quyển nhiều thế kỷ của CO2, Mỹ được cho là đã thải nhiều khí nhà kính hơn bất kỳ quốc gia nào và chịu trách nhiệm cho gần 22% lượng CO2 thải vào khí quyển kể từ năm 1950.

Nhiều chuyên gia cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn khi Mỹ tiếp tục rút lui khỏi các nỗ lực khí hậu. Với động thái của ông Trump, họ lo ngại các quốc gia khác, đặc biệt Trung Quốc, có thể sử dụng như một cái cớ để nới lỏng các nỗ lực nhằm hạn chế lượng phát thải carbon.

Bảo Bảo (theo Reuters, AP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022