Năm 2024, dòng tiền đầu tư có sự luân chuyển liên tục từ "cơn sốt" vàng song hành kịch bản lạc quan của chứng khoán, dần chuyển sang bất động sản ở phía Bắc, rồi sôi động với Bitcoin vào cuối năm. Sang năm Ất Tỵ 2025, cục diện kinh tế thế giới, điều kiện vĩ mô và chính sách tài khóa có thể biến động, kéo theo những kịch bản mới cho các kênh đầu tư.

Cổ phiếu cần tìm cách hút dòng tiền

Theo thống kê của VnExpress, đa số công ty chứng khoán đều đưa ra kịch bản lạc quan về diễn biến VN-Index năm nay. Các đơn vị đều dự báo chỉ số này đóng cửa thấp nhất trên 1.300 điểm và cao nhất tiệm cận 1.500 điểm. Hai đơn vị thể hiện quan điểm lạc quan nhất là VCBS và VNDirect khi đưa ra con số 1.663 và 1.670 điểm.

Cơ sở phân tích cho các kịch bản năm nay đến từ dự phóng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khả quan, kinh tế phát triển nhanh hơn, chính sách tài khóa tiếp tục nới lỏng. Một số đơn vị còn dựa vào tốc độ giải ngân đầu tư công dự kiến sẽ nhanh gọn và khả năng nâng hạng thị trường đang đến gần.

Trong 2024, khối ngoại bán ròng kỷ lục, những tháng cuối năm ghi nhận dòng tiền vào chứng khoán rất thấp và kéo dài đến nay. Do đó, câu chuyện tìm ra phương pháp chữa dứt căn bệnh này được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng vấn đề nằm ở việc nâng hạng thị trường. Theo nhóm phân tích này, tác động của dòng vốn ETF chảy vào từ câu chuyện nâng hạng bởi FTSE sẽ không lớn. Tại thời điểm nâng hạng chính thức, họ dự đoán cổ phiếu Việt Nam có thể chiếm trọng số khoảng 0,5% trong rổ chỉ số FTSE Emerging Index, tương ứng với dòng tiền vào ròng khoảng 550 triệu USD. Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng việc nâng hạng sẽ thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư cá nhân trong nước, từ đó cải thiện được thanh khoản của thị trường chứng khoán.

Một trong số ít công ty chứng khoán đưa ra kịch bản kém lạc quan nhất là Chứng khoán Tiên Phong (TPS) với con số thấp nhất 1.080 điểm cho VN-Index. Đơn vị này lưu ý thị trường đang đối mặt nhiều tác động tiêu cực đến từ khối ngoại, các thông tin nhà đầu tư kỳ vọng như thị trường được nâng hạng, áp dụng hệ thống giao dịch KRX không như kỳ vọng. Ngoài ra, ngành bất động sản vẫn gặp khó khăn xuyên suốt năm 2024 và liên tục giảm điểm, ngành ngân hàng sau một thời gian hỗ trợ thị trường tốt cũng đang gặp lực bán chốt lời mạnh mẽ, các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tác động lớn đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bất động sản khu công nghiệp...

Theo TPBS, chứng khoán đang thiếu đi động lực và dòng tiền cần một ngành có triển vọng để giải ngân.

Trái phiếu sẽ chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn

Trái phiếu doanh nghiệp thực tế vẫn chưa lấy lại lòng tin của nhà đầu tư trong năm vừa qua. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), có khoảng 410.544 tỷ đồng trái phiếu được phát hành trong năm qua, tăng gần 32% nhưng chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng hoặc các doanh nghiệp muốn đảo nợ.

Tuy nhiên theo số liệu của VinaCapital ghi nhận, tỷ trọng trái phiếu phát hành bởi ngành ngân hàng đã giảm đáng kể từ 72% trong 9 tháng đầu năm xuống còn 48% trong 3 tháng cuối năm 2024. Các doanh nghiệp thuộc ngành khác, đặc biệt là bất động sản, đã có dấu hiệu tích cực tham gia phát hành trở lại. Quỹ đầu tư kỳ vọng xu hướng trên sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2025, khi kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định và các quy định pháp lý mới trong nhiều lĩnh vực liên quan đến trái phiếu đi vào thực tiễn. Các ngành được kỳ vọng gia tăng phát hành gồm bất động sản, tiêu dùng và tài chính phi ngân hàng (công ty chứng khoán, cho vay tiêu dùng).

"Nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều cơ hội rót tiền năm nay khi mức lãi suất trái phiếu của các ngành nói trên và những ngành không phải là ngân hàng nói chung, thường cao hơn 1-2% so với trái phiếu của các nhà băng", bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc khối Đầu tư Chứng khoán VinaCapital, nói với VnExpress.

Trước đây, nhiều đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được phân phối cho hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân, chủ yếu là cá nhân nhỏ lẻ, có giá trị rót vốn thấp, không có nhiều kinh nghiệm chuyên môn và khả năng nhận biết rủi ro. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, các nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư chỉ nắm giữ 8% tổng số trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tính đến cuối tháng 6/2024, thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển hơn trong khu vực.

Với Luật chứng khoán sửa đổi 2024, trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và phải đáp ứng các điều kiện gồm có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. Chuyên gia đánh giá điều này sẽ giúp tăng cường bảo vệ cho nhà đầu tư cá nhân.

Bất động sản tiếp tục phục hồi cục bộ

Năm 2024 khép lại với tín hiệu khả quan cục bộ ở một vài phân khúc và địa phương, nổi bật là căn hộ chung cư có nhu cầu ở thực và thị trường phía Bắc. Một số chủ đầu tư bắt đầu tung rổ hàng ra vào cuối năm, chủ yếu để kiểm định sức hấp thụ và tâm lý thị trường bất động sản cũng ghi nhận những kết quả tốt hơn trước.

Nhận xét chung về thị trường nhà ở tại Hà Nội và TP HCM, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, năm nay sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một chu kỳ mới của thị trường với nguồn cung phong phú và chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn thúc đẩy bởi cạnh tranh gia tăng từ các chủ đầu tư. Thị trường được kỳ vọng phát triển ổn định và bền vững hơn, khi có thời gian thích nghi với các luật sửa đổi cùng với các thông tư và hướng dẫn thi hành mới.

"Điều này sẽ tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng, khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển dự án, đồng thời mở ra cơ hội cho nhiều người dân có thể tiếp cận và mua nhà dễ dàng hơn", chuyên gia kỳ vọng.

CBRE dự báo nguồn cung mới căn hộ chung cư tại Hà Nội sẽ tiếp tục dồi dào, ước đạt hơn 31.000 căn mở bán năm nay. Rổ hàng chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp, với sự gia tăng ở hạng sang. Sự dồi dào của nguồn cung mới sẽ góp phần duy trì mức tăng trưởng giá bán sơ cấp, dự kiến tăng trung bình 6-8% mỗi năm.

Tuy nhiên khó khăn vẫn còn đó, nhất là ở thị trường phía Nam. Năm nay, TP HCM dự kiến chỉ có thêm 9.000 căn hộ và 2.000 nhà liền thổ, 83% trong đó là phân khúc cao cấp, hạng sang giá trên 60 triệu đồng mỗi m2.

"Sự áp đảo của phân khúc cao cấp, thiếu nhà bình dân để điều tiết thị trường cùng bài toán khan hiếm nguồn cung chưa được giải quyết dứt điểm khiến giá bất động sản TP HCM dự kiến tăng 8-10% năm nay", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Trưởng bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, nhìn nhận.

Ngoài ra, sự phục hồi cục bộ giữa các phân khúc cũng được nhiều đơn vị cho rằng sẽ tiếp diễn năm nay. Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được xem như phân khúc khó khăn nhất khi thanh khoản thấp, hiện tượng cắt lỗ có thể chưa dứt, đòi hỏi chủ đầu tư cần có thêm nhiều chính sách kích cầu khi ngành du lịch đang phục hồi tốt.

Vàng có thể tăng khiêm tốn

Sau một năm ghi nhận hiệu suất tích cực, giá vàng được nhiều bên quan sát cho rằng sẽ biến động dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố trái chiều. Theo đánh giá của Công ty Tư vấn tài chính và Quản lý tài sản FIDT, trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu phức tạp, vàng vẫn giữ vững vị thế là một tài sản quan trọng và xu hướng tăng giá được kỳ vọng duy trì nhưng với tốc độ khiêm tốn hơn so với năm 2024.

Kịch bản cơ sở mà đơn vị này đưa ra cho vàng miếng SJC là 84-86 triệu đồng mỗi lượng với biên độ chênh lệch trong nước và thế giới duy trì ở mức hợp lý. Theo FIDT, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục thành công trong việc giữ giá vàng SJC biến động đồng pha và không quá chênh so với giá thế giới. Giả định các yếu tố khác không thay đổi, tỷ giá USD sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng giá kim loại quý. Nếu tỷ giá tăng, giá vàng trong nước có khả năng đi theo và ngược lại.

nganhangbanvang-32-JPG-6298-1737474828.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=enQBp76oLJ6eCoIe4fIi9Q

Người dân mua vàng ở một ngân hàng tại TP HCM, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Các chuyên gia khuyến nghị trong đa số trường hợp, nhà đầu tư chỉ nên phân bổ 5-10% tổng tài sản vào vàng để phân tán rủi ro. Cần giảm tỷ trọng về 5% trong trường hợp quan sát và dự đoán thấy tình hình địa chính trị bớt căng thẳng. Ngược lại, có thể tăng tỷ trọng lên 10% trong trường hợp quan sát thấy các rủi ro địa chính trị leo thang.

"Không mua vào vàng miếng SJC nếu giá chênh lệch quá cao so với thế giới", nhóm phân tích FIDT nhấn mạnh.

Tiền số trông chờ vào ông Donald Trump

Một thăm dò gần đây của VnExpress với hơn 4.400 lượt trả lời cho thấy, khoảng 27% số người nói Bitcoin (BTC) là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong danh mục của họ năm 2024. BTC dẫn đầu các lựa chọn, vượt trên cả vàng, chứng khoán, bất động sản.

Ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ - một trong những chất xúc tác chính cho thị trường năm trước - được dự báo tạo ra tác động "bùng nổ" hơn nữa trong năm nay. Vốn nhận được nguồn tài trợ lớn từ nhóm ủng hộ tiền số, nhà lãnh đạo này ấp ủ thành lập một kho dự trữ quốc gia về Bitcoin.

Các nhà phân tích đa phần dự báo tiền số sẽ tăng giá đáng kể năm nay. Tom Lee, nhà đồng sáng lập Fundstrat Global Advisors, ước tính BTC sẽ đạt 250.000 USD nhờ tiềm năng của các quỹ ETF giao ngay và thay đổi chính trị ở Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, bản chất Bitcoin là một loại tài sản có tính biến động rất cao khi được giao dịch xuyên suốt 24/7 và không bị giới hạn biên độ thay đổi mỗi phiên. Giữa lúc BTC tăng mạnh năm trước, nhiều nhà đầu tư vẫn bị "cháy" tài khoản do giao dịch phái sinh một cách không kiểm soát. Tại Việt Nam, theo khảo sát nhìn lại thị trường 2024 của nền tảng Coin68 với hơn 2.700 người tham gia trả lời, vẫn có gần 44% cho biết đang thua lỗ.

Các chuyên gia khuyên nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể xem xét phân bổ một phần danh mục vào kênh tiền số. Hiện tại, loại tài sản này vẫn chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh tại Việt Nam nhưng các cơ quan quản lý đang nghiên cứu và xây dựng. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech, gồm sàn giao dịch tài sản số, tiền số tại các trung tâm tài chính TP HCM và Đà Nẵng ngay trong năm nay.

Lãi suất tiết kiệm có thể tăng lên

Lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm trong năm 2024 khi kinh tế tăng chậm, thị trường địa ốc đóng băng, nhu cầu vốn thấp càng làm cho thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa. Tuy nhiên, lãi suất huy động bắt đầu nhích lên trong 6 tháng cuối năm, khi tín dụng tăng trở lại, thanh khoản hệ thống bị ảnh hưởng bởi áp lực tỷ giá. Dẫu vậy, mặt bằng lãi suất cũng chỉ dừng lại quanh 5-7% một năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư của FIDT, gửi tiết kiệm vẫn phù hợp với một số nhà đầu tư. Kênh này dành cho những người có khẩu vị rủi ro thấp, ưu tiên bảo toàn vốn và cần tính thanh khoản cao, đặc biệt là nhóm lớn tuổi, người chuẩn bị các kế hoạch tài chính ngắn hạn (chi tiêu gia đình, học phí, kinh doanh) hoặc muốn duy trì khoản dự phòng cho các tình huống khẩn cấp.

Năm nay, nhiều đơn vị phân tích dự báo lãi suất sẽ tăng lên, phổ biến nhất là biên độ 0,75-1%. Nhà đầu tư nên chọn kỳ hạn gửi ngắn 6-12 tháng, nhằm tận dụng sự điều chỉnh tăng lãi suất trong tương lai gần.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022