Khoảng 53% người Mỹ dự đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng trong sáu tháng tới, theo khảo sát được thực hiện trong hai tuần đầu tháng 1 của Gallup. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các cuộc thăm dò kể từ năm 2005 của hãng tư vấn và phân tích dữ liệu có trụ sở tại Washington DC.

Có 61% người được hỏi tin rằng giá cổ phiếu sẽ tăng - mức cao nhất kể từ 2001. Trong khi 52% dự đoán lạm phát tăng những tháng tới, là tỷ lệ thấp nhất kể từ 2003. Ngoài ra, 41% kỳ vọng lãi suất sẽ giảm, so với 35% đoán ngược lại.

Jeffrey Jones, chuyên gia của Gallup cho rằng sự lạc quan đang gia tăng chủ yếu nhờ kỳ vọng cao về triển vọng kinh tế dưới nhiệm kỳ của tổng thống đến từ đảng Cộng hòa là ông Donald Trump.

Có đến 78% đảng viên Cộng hòa tin rằng nền kinh tế sẽ cải thiện trong những tháng tới so với 21% đảng viên Dân chủ. Tuy nhiên, niềm tin vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán được đồng thuận rộng rãi giữa các nhóm tuổi, giới tính, thu nhập, đảng phái chính trị và trình độ học vấn.

AP24311157032115-5560-1738579501.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jk85luCY_mFiIHLpxTa6YQ

Người ủng hộ reo hò tại sự kiện đêm bầu cử của ông Donald Trump ở West Palm Beach, bang Florida ngày 5/11/2024. Ảnh: AP

Sự lạc quan của người Mỹ phù hợp với quan điểm của nhiều nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách tại Cục dự trữ Liên bang (Fed). Sau cuộc họp chính sách tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đánh giá nền kinh tế "nhìn chung vẫn mạnh mẽ".

Fed dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% vào 2025, chậm hơn mức 2,8% hồi 2024 nhưng vẫn cao hơn xu hướng dài hạn. Họ kỳ vọng lạm phát - được đo lường bằng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) về mức 2,5% trong năm nay.

Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 4,1%, dự kiến tăng lên 4,3% vào cuối năm, theo Fed. 38% người trong khảo sát của Gallup cũng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng và một tỷ lệ tương đương cho rằng giảm.

Trong khi đó, một số chuyên gia bày tỏ quan ngại với triển vọng kinh tế, nhất là lạm phát, sau khi Tổng thống Trump hôm 1/2 ký lệnh áp thuế lên hàng hóa Mexico, Canada, Trung Quốc và tuyên bố sẽ "khá sớm" hành động tương tự đối với Liên minh châu Âu (EU).

Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính thời chính quyền Clinton, gọi động thái trên là "vết thương tự gây ra cho nền kinh tế Mỹ". "Dù trên sân chơi hay trong quan hệ quốc tế, bắt nạt không phải là một chiến lược chiến thắng bền vững", ông nói trên chương trình "Inside Politics" của CNN.

Ông Trump khẳng định rằng lạm phát từng ở mức thấp trong nhiệm kỳ đầu. Vì vậy, công chúng có thể mong đợi điều tương tự khi ông trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, các phân tích độc lập cho thấy chính sách thuế quan của tổng thống có thể tác động ngược lại.

Phân tích của Budget Lab thuộc Đại học Yale cho rằng việc duy trì các mức thuế này khiến một hộ gia đình Mỹ trung bình sẽ tốn thêm khoảng 1.245 USD năm nay, tương đương với mức tăng thuế hơn 1.400 tỷ USD trong 10 năm tới.

Do tác động kinh tế tiềm tàng, Goldman Sachs kỳ vọng có những thỏa hiệp để các mức thuế mới dừng thực thi. "Chúng tôi cho rằng nhiều khả năng thuế quan chỉ là tạm thời, nhưng triển vọng vẫn chưa rõ ràng", ngân hàng đầu tư này đánh giá.

Phiên An (theo Reuters, AP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022