Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% với hàng hóa Mexico, Canada và 10% với hàng Trung Quốc. Kế hoạch này được ông đưa ra từ vài tháng trước và nhắc lại trong ngày nhậm chức 20/1.
Reuters cho biết một số công ty như hãng xe GM (Mỹ) hay Toyota (Nhật Bản), có thể chuyển sản xuất từ nhà máy ở nước ngoài về Mỹ. Trong khi đó, đại gia nhôm Alcoa ra tín hiệu sẽ chuyển hướng chuỗi cung ứng để tránh gánh nặng thuế.
Với một số công ty khác, quá trình chuẩn bị cho cuộc chiến thuế nhập khẩu đã bắt đầu từ rất lâu, trước cả khi ông Trump tái đắc cử. Các đại gia hàng tiêu dùng như Walmart, Columbia Sportswear (Mỹ) và Lenovo (Trung Quốc), hay các doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại Mỹ đều đẩy nhanh việc nhập khẩu trong suốt năm 2024. Mục tiêu của họ là đưa nhiều sản phẩm về Mỹ nhất có thể.
Paul Brashier - Phó chủ tịch chuỗi cung ứng tại ITS Logistics - cho biết từ tháng 3/2024, các khách hàng của công ty đã bày tỏ mong muốn mua sản phẩm trước nguy cơ bị áp thuế. Sản phẩm dùng trong các dự án cơ sở hạ tầng thuộc nhóm được mua sớm nhất.
"Ngân sách cho việc xây dựng đã được duyệt từ 2-3 năm trước rồi. Vì thế, chi phí tăng 20% sẽ khiến doanh nghiệp sụp đổ. Họ cần hoàn tất việc mua hàng trước khi thuế nhập khẩu được áp dụng, để bảo toàn lợi nhuận", ông giải thích.
Xe Chevrolet Cruze được lắp ráp tại nhà máy General Motors Cruze ở Ohio (Mỹ). Ảnh: Reuters
Pin năng lượng mặt trời, bộ lưu điện UPS, pin lithium dùng trong các trung tâm dữ liệu cũng thuộc nhóm được mua trước, theo hãng nghiên cứu ImportGenius.
"Khi đề cập đến tác động của thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp rất thực tế và thận trọng. Họ không quan tâm đến việc giới chức Mỹ sẽ dựa vào điều luật nào, hay dùng công cụ nào để kiểm soát thu thuế. Họ chỉ cần biết khi nào thuế có hiệu lực, mức thuế là bao nhiêu và áp lên sản phẩm nào", Josh Teitelbaum, cố vấn cấp cao tại Akin, cho biết. Ông khuyên các khách hàng nhanh chóng chuẩn bị cách đối phó thuế của Mỹ, đừng sa đà vào các cuộc tranh luận về hiệu quả chính sách.
Dù vậy, việc mua hàng sớm cũng đòi hỏi có chỗ cất trữ, làm phát sinh thêm chi phí. "Chi phí kho bãi cũng sẽ được tính vào giá sản phẩm. Cuối cùng vẫn là người tiêu dùng phải trả thôi", Brashier nói.
Nhưng không phải tất cả công ty đều có thể mua hàng sớm hơn dự định. "Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa", Rick Muskat - Giám đốc hãng bán lẻ giày tại gia Deer Stags cho biết. Công ty ông nhập khẩu khoảng 2 triệu đôi giày một năm. 98% giày nam và giày bé trai được sản xuất tại Trung Quốc và bán ở các chuỗi siêu thị lớn tại Mỹ như Macy’s, Kohl’s, JCPenney và cả Amazon.
Theo sắc lệnh ông Trump ký ngày 1/2, thuế nhập khẩu với Mexico, Canada và Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 4/2. Tuy nhiên, ngày 3/2, ông Trump viết trên mạng xã hội rằng sẽ lùi áp thuế với Mexico thêm một tháng. Trước đó, ông Trump đe dọa áp thuế tới 60% với hàng Trung Quốc. Trong sắc lệnh còn có điều khoản tăng thêm thuế nếu các nước này trả đũa.
Muskat cho biết biên lợi nhuận của họ rất mỏng. Vì thế, công ty không thể nhập trước hàng hóa và sẽ phải chuyển phần tăng giá này cho người tiêu dùng. "Chúng tôi sẽ tăng giá. Các hãng bán lẻ đều phải lựa chọn tăng hay không tăng. Người tiêu dùng cũng không có lựa chọn nào khác", ông nói.
Dù ông Trump tuyên bố các nước khác, như Trung Quốc, sẽ phải trả thuế nhập khẩu, Muskat khẳng định các công ty như ông mới là bên gánh hậu quả.
"Công ty nhập khẩu sẽ phải trả thuế. Hải quan sẽ không cho thông quan nếu nhà nhập khẩu chưa trả thuế này. Họ trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng của chúng tôi mà", ông nói.
Loại giày Deer Stags bán chạy nhất hiện có giá 50 USD. Muskat tính toán nếu áp thêm thuế nhập khẩu, nó sẽ có giá 75 USD. Vấn đề là đơn hàng và giá cả đã được hai bên thỏa thuận 7 tháng trước khi giao.
Ông Trump khẳng định thuế nhập khẩu là chìa khóa giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng. Tuy nhiên, Muskat coi chính sách thương mại mới là mối đe dọa với ước mơ sở hữu doanh nghiệp tại Mỹ.
"Tôi mất ngủ cả đêm. Chúng tôi là công ty gia đình. Các nhân viên cũng như người nhà của tôi vậy. Phần lớn đã làm việc cho tôi hơn 20 năm. Tôi không biết phải làm gì để bảo vệ họ", Muskat nói.
Safiya Ghori-Ahmad - Giám đốc các vấn đề toàn cầu tại Apco - đã tư vấn cho nhiều khách hàng về cách truyền thông việc tăng giá đến người tiêu dùng. Ông cho rằng tác động từ lần áp thuế này sẽ lớn hơn nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
"Điều quan trọng là các doanh nghiệp đang nói về tác động thực sự lên người tiêu dùng. Thuế lần này cao hơn. Ngoài áp lên Trung Quốc, Mỹ còn áp thuế với các đối tác thương mại lớn nhất của họ là Mexico và Canada. Các ngành thực phẩm, ôtô, đồ nội thất và đồ chơi đều bị ảnh hưởng", Ghori-Ahmad nói.
Kể cả những doanh nghiệp đã tái cấu trúc chuỗi cung ứng và sản xuất vài năm qua cũng không xoay xở kịp với thuế nhập khẩu. SurfaceArt - công ty sản xuất đá lát - đã chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sau khi ông Trump áp vòng thuế đầu tiên năm 2018. Họ chi hàng triệu USD để mở nhà máy ở Mỹ, nhưng công suất không đủ đáp ứng nhu cầu. SurfaceArt vì thế đã phải mở thêm nhà máy ở Việt Nam, Tây Ban Nha và Italy.
"Mỹ rõ ràng cần nhập khẩu hàng mới đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ", Kevin Stupfel - Giám đốc công ty này cho biết. Nếu ông Trump áp thuế với toàn bộ hàng vào Mỹ, Stupfel cho rằng không chỉ doanh nghiệp, mà tất cả người Mỹ đều phải chuẩn bị tinh thần.
"Mỹ không có đủ năng lực sản xuất đá lát để đáp ứng nhu cầu trong nước. Thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Chi phí xây dựng, sửa chữa nhà chắc chắn sẽ tăng lên", ông cảnh báo.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)