Quý đầu năm nay, GDP cả nước tăng 6,93%, mức cao nhất 5 năm. Xét về tốc độ tăng trưởng, 43 địa phương có mức tăng cao hơn mặt bằng chung cả nước và 20 tỉnh đạt thấp.

Trong đó, 9 địa phương có tăng trưởng từ 10% trở lên. Số này gồm Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Lai Châu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hà Nam.

Cùng với đó, 18 địa phương đạt 8-10%, 16 tỉnh đạt 7-8%, còn lại 20 nơi dưới 7%.

Bắc Giang - địa phương với nhiều khu công nghiệp lớn ở miền Bắc - có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, mức 13,82% - vượt 0,82 điểm phần trăm so với kịch bản. Đây cũng là địa phương duy trì được mức tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) hai chữ số trong suốt 5 năm qua.

Động lực tăng trưởng chính của tỉnh này đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng, với 17,24% trong quý đầu năm. Chỉ số sản xuất (IIP) của tỉnh tăng xấp xỉ 26,6% so với cùng kỳ. Cùng với đó, giá trị sản xuất đạt 183.146 tỷ đồng, tăng gần 26%.

Thu hút vốn đầu tư của Bắc Giang cũng ghi nhận tích cực, với 680 triệu USD tính tới cuối tháng 3, tăng 9% so cùng kỳ. Riêng 11 dự án trong nước được cấp mới với vốn đăng ký 13.630 tỷ đồng, gấp 1,8 lần cùng kỳ.

Đà Nẵng xếp thứ tư cả nước về tăng GRDP, đạt 11,36%. Mức tăng này cũng dẫn đầu trong nhóm thành phố trực thuộc Trung ương, vượt Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng và Cần Thơ.

Lai Châu - một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước ghi nhận GRDP tăng 11,32%, cao thứ 5 cả nước. Mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng này chủ yếu đến từ ngành sản xuất và phân phối điện - chiếm tỷ trọng 29% tổng sản phẩm trên địa bàn - tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước.

TP HCM và Hà Nội là hai thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, nhưng không nằm trong top 30 địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Hết quý I, GRDP của TP HCM tăng 7,51%, Hà Nội 7,35%. Các mức này được đánh giá là "kết quả tốt", theo Bộ Tài chính.

TP-HCM-Thanh-Nguyen-1744537289-7616-1744537467.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8LtRfOinEBgq67OFLHKQ8Q

Một góc trung tâm quận 1, TP HCM, tháng 3/2025. Ảnh: Thành Nguyễn

Năm nay, Chính phủ đặt kế hoạch và quyết giữ mục tiêu GDP tăng từ 8%, dù tình hình vĩ mô thế giới và trong nước gặp thách thức trước chính sách thuế quan của Mỹ. Việc này nhằm tạo đà cho những năm tiếp theo tăng trưởng kinh tế hai chữ số (trên 10%).

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ giao các địa phương phải tăng trưởng 8% trở lên. Trong đó, khoảng hai phần ba có tốc độ tăng trưởng hai chữ số, như Bắc Giang, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 26 địa phương đạt và vượt mục tiêu GRDP quý I theo kịch bản. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu về thực hiện "khoán tăng trưởng" với GRDP quý I ước đạt 9,05% so với cùng kỳ, vượt 2,75 điểm phần trăm kịch bản. Động lực tăng trưởng của địa phương này đến từ dịch vụ, tăng 9,78%. Tương tự, Hà Nam tăng trưởng 10,54%, cao hơn kịch bản 1,94 điểm phần trăm. Trong đó, công nghiệp và xây dựng là động lực chính, với mức tăng gần 12%.

GRDP của Hà Tĩnh chỉ tăng 6,5%, nhưng vượt 3 điểm phần trăm so với kịch bản. Trong khi đó, tăng trưởng của TP Huế đạt 9,9%, cao hơn mục tiêu quý 1,8 điểm phần trăm.

Hà Nội ghi nhận GRDP 7,35%, cao hơn mục tiêu quý 0,15%. Nhưng công nghiệp và xây dựng - vốn là trụ cột của Thủ đô - lại tăng thấp, ở 5,54%.

Quảng Ninh có mức tăng GRDP 10,91%, nhưng lĩnh vực dịch vụ thấp hơn kế hoạch 1,71 điểm phần trăm.

Ngoài ra, có tới 37 địa phương không đạt yêu cầu theo kịch bản. Số này có nhiều tỉnh thành đóng vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ví dụ, TP HCM đạt 7,51% - mức tăng trưởng cao nhất 6 năm, nhưng vẫn thấp hơn kịch bản 1,03 điểm phần trăm. Cả 4 khu vực trụ cột (công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và xuất khẩu) đều thấp hơn 0,74-2,35% mục tiêu.

Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương đều có tốc độ tăng GRDP thấp hơn 0,9-1,46 điểm phần trăm.

Tương tự, Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận GRDP tăng 2,48%. Mức này mới bằng gần một phần ba mục tiêu quý. Theo địa phương này, ngành sản xuất và phân phối điện của tỉnh giảm gần 20,5% do dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam dừng sản xuất từ tháng 10/2024, dự án của Công ty Hóa chất Hyosung Vina gặp khó khăn... Việc triển khai đấu giá đất 2025 của địa phương còn chậm, trong khi khai thác dầu thô, xuất nhập khẩu giảm so cùng kỳ năm ngoái cũng là nguyên nhân kéo tăng trưởng đi xuống.

Năm nay, tỉnh này được giao chỉ tiêu GRDP ở mức10,5%. Để đạt mục tiêu, địa phương này cho biết sẽ tập trung xử lý các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí. Họ cũng tính tăng giải ngân vốn đầu tư công, phát triển du lịch, thu hút đầu tư các dự án du lịch - đô thị - dịch vụ, xúc tiến thương mại và tăng kích cầu tiêu dùng.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương chưa đạt mục tiêu GRDP theo kịch bản, nhất là TP HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát, đánh giá các khu vực không đạt chỉ tiêu.

Các địa phương cùng với Bộ Tài chính điều chỉnh lại kịch bản tăng trưởng GRDP và khu vực cho các quý còn lại, để đạt mục tiêu Chính phủ giao năm nay. Nhà điều hành cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát các nguồn lực, động lực mới cho tăng trưởng và giải pháp thời gian tới.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022