
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên đưa Hoa – em họ chồng tôi – về cửa hàng. Lúc ấy, cô bé mới 22 tuổi, thất nghiệp dài dài vì không có bằng cấp, cũng chẳng chịu học nghề gì. Mẹ chồng tôi thở dài: "Con thương nó mà nhận vào làm đi, chứ ở nhà mãi thì hỏng người." Chồng tôi cũng gật gù: "Em cứ giúp nó đi, coi như là giúp anh." Thế là tôi đồng ý, dù trong lòng hơi ngần ngại.
Ngày đầu đi làm, tôi dặn dò Hoa tỉ mỉ: "Chị sẽ đào tạo em từ đầu, miễn là em chịu khó học hỏi." Cô bé gật đầu lia lịa, nhưng chỉ sau một tuần, tôi đã phát hiện ra sự lười biếng khó chấp nhận.
Đầu tiên là về ý thức nghiêm túc với công việc là hoàn toàn không có, thường xuyên đi thì muộn mà về thì về đầu tiên. Trong khi nhân viên khác đi đúng giờ, Hoa thường đến muộn 15-20 phút, lúc nào cũng viện cớ: "Em ngủ quên" hoặc "Xe hư đột xuất."
Làm việc cẩu thả đến mức khiến người khác khó hiểu. Khách hỏi giá, nó thản nhiên trả lời qua loa: "Chị tự xem đi, em không nhớ." Có lần, tôi bắt gặp nó ngồi chơi điện thoại trong khi khách đang đợi tính tiền.
Thái độ khó chịu và cực kỳ lấc cấc, nhường như nó không hề có ý thức tôi là chủ còn nó là nhân viên. Khi tôi nhắc nhở, Hoa nhăn mặt: "Chị sao khó tính thế? Em mới làm mà!"
Tôi nghĩ nó còn trẻ con nên không muốn chấp và cố gắng kiên nhẫn hơn. Nhưng rồi mọi chuyện ngày càng tệ.
Một tháng sau, tôi bắt đầu nhận được phản ánh từ các nhân viên khác.
Hoa thường xuyên "chỉ tay" người khác. Nó thản nhiên sai nhân viên khác như con hầu kẻ ở, thậm chí đến quản lý của hàng có vị trí cao hơn nó nhưng nó cũng chẳng coi người ta ra cái gì.

Đã vậy còn có cái thói mà tôi không bao giờ chấp nhận được đó là nói xấu sau lưng. Nó bảo với mấy nhân viên mới: "Sếp tổng là chị dâu tao, tao muốn làm gì thì làm, bà ấy không dám đuổi tao đâu."
Rồi còn có cái kiểu gây mất đoàn kết. Có lần, một nhân viên lâu năm nhắc Hoa dọn hàng, nó cười khẩy: "Chị sai ai cơ? Chị biết tôi là ai không mà sai tôi làm? Chị tin là tôi cho chị về vườn ngay phút mốt không?".
Tôi tức lắm, nhưng vì sợ gia đình chồng nghĩ mình "bắt nạt em út", nên chỉ nhắc nhở nhẹ. Ai ngờ, càng nhân nhượng, Hoa càng lấn tới.
Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm vào một chiều cuối tuần. Hoa được phân công trực quầy, nhưng nó bỏ đi ăn trưa tới tận 2 giờ, bỏ mặc khách hàng chờ đợi, bỏ mặc cửa hàng không ai trông. Khi tôi gọi điện, nó cáu kỉnh: "Em đói thì phải ăn chứ, chị bắt làm như nô lệ vậy?"
Về đến cửa hàng, tôi phát hiện Hoa đã hất cả cốc nước nóng vào người một nhân viên khác chỉ vì bạn nhân viên này dám nhắc nó dọn dẹp. May mà không ai bị bỏng, nhưng tôi run cả người vì giận.
Liên quan đến an toàn của con người, tôi quyết định cho Hoa nghỉ việc ngay lập tức.
Chưa đầy một tiếng sau, điện thoại tôi reng liên tục:
Mẹ chồng: "Con sao nhỏ nhen thế? Nó là em chồng con mà đối xử như người làm!"
Dì chồng (mẹ của Hoa): "Cháu ỷ giàu nên khinh người à? Nhà tôi tuy nghèo nhưng không đến nỗi để cháu đuổi con tôi như thế!"
Chồng tôi: "Em làm quá, nó còn trẻ con mà. Giờ anh ra sao trước họ hàng?"
Tôi lặng người. Tôi giúp đỡ bằng cả tấm lòng, nhưng họ chỉ thấy tôi là kẻ ác. Nhưng để có thể điều hành cả 1 chuỗi cửa hàng buôn bán nhiều năm, đứng vững trên thị trường dù bao nhiêu biến động, sóng gió thì tôi cũng không phải là đứa dễ bị bắt nạt
Bây giờ, mỗi lần họp gia đình, tôi vẫn bị nhìn bằng ánh mắt khinh khỉnh. Nhưng tôi coi như mình mù-câm-điếc.
Nếu nhân viên khác làm sai, tôi đuổi việc – tại sao người nhà lại được đặc cách?
Tôi trả lương công bằng, không phải để nuôi một kẻ vô trách nhiệm.
Lòng tốt phải đặt đúng chỗ, nếu không, nó sẽ thành công cụ để người khác lợi dụng.
Chồng tôi giờ vẫn trách tôi "cứng nhắc", nhưng tôi đã học được một điều: Kinh doanh và tình cảm phải tách bạch. Nếu không, bạn sẽ mất cả hai.
Họ có thể gọi tôi là "ác", nhưng tôi biết mình đã làm điều đúng. Còn Hoa? Nghe nói nó vẫn thất nghiệp. Bố mẹ nó thì vẫn miệt mài đi nói xấu tôi khắp nơi.
Cuộc đời này, đôi khi bạn phải chọn làm "kẻ xấu" để bảo vệ những gì mình đã xây dựng.