Ngày 10/5, Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức triển khai quyết định của Chính phủ phê duyệt đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực", tại Khu nghỉ dưỡng Hoiana Resort & Golf, huyện Duy Xuyên.
Đề án được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 2, đặt mục tiêu phát triển đồng bộ vùng nguyên liệu dược liệu và hệ thống chế biến, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, đưa tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dược liệu của cả nước. Chính phủ muốn phát huy tiềm năng của sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh và các dược liệu có thế mạnh trên địa bàn, góp phần đưa ngành công nghiệp dược liệu của Việt Nam thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Sâm Ngọc Linh được người dân xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam trồng trên núi Ngọc Linh. Ảnh: Đắc Thành
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Thành Long, nói Việt Nam có tiềm năng về dược liệu khá lớn, là một trong 15 nước có tên trong bản đồ dược liệu thế giới với hơn 5.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc. "Dược liệu có ý nghĩa là đa ngành, lĩnh vực. Trồng và phát triển dược liệu có nguồn gốc cho Y tế và tạo thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng cao", ông nói.
Theo Phó thủ tướng việc công bố đề án là bước khởi đầu nên còn nhiều việc phải làm. Đây là một đề án chứa rất nhiều kỳ vọng, đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu, triển khai thực hiện để góp phần phát triển ngành dược liệu cho Quảng Nam và khu vực.

Phó thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đắc Thành
Phó thủ tướng lưu ý Quảng Nam chủ động rà soát chính sách, khi phát triển đề án tỉnh chủ động đề xuất trình Chính phủ cơ chế, chính sách phù hợp, phối hợp giữa các tỉnh. "Để nhìn lớn, nhìn xa chứ không phải câu chuyện của một địa phương. Không có chuyện ai ở đâu biết người đó, như vậy là thất bại", ông Long nói, thêm rằng Quảng Nam chủ trì, các địa phương liên quan phối hợp. Có vậy mới tạo được sự cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trong nước và khu vực.
Phó thủ tướng đề nghị trong phạm vi thẩm quyền, Quảng Nam và các tỉnh sớm hoàn thiện, công bố quy hoạch sử dụng đất, các vấn đề có liên quan. Các hoạt động trong thời điểm sáp nhập tỉnh, sắp xếp bộ máy có vấn đề gì, chủ động thông báo. Ông yêu cầu địa phương quan tâm nguồn lực tài chính, con người, ứng dụng AI, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. "Làm sao cứ nghĩ đến Quảng Nam là biết đến trung tâm công nghiệp về dược liệu, sâm Ngọc Linh là rất tự hào", ông nói.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, địa phương có tiềm năng về phát triển cây dược liệu với 461.326 ha rừng tự nhiên. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu năm 2002, trên địa bàn tỉnh hiện ghi nhận có 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Mới đây còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong Danh mục cây thuốc Việt Nam.
Để xây dựng trung tâm dược liệu, Quảng Nam tập trung rà soát, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết nút thắt về cơ chế, chính sách. "Tỉnh rà soát, nghiên cứu, đề xuất các bộ, cơ quan liên quan về các cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù, vượt trội nhằm thu hút có hiệu quả hoạt động đầu tư phát triển dược liệu và công nghiệp dược liệu trong trung tâm", ông nói.

Nhân viên Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam) đang chăm sóc cây giống trong nhà ươm. Ảnh: Đắc Thành
Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu mọc trên ngọn núi cùng tên thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Chúng phát triển ở độ cao trên 1.500 m dưới tán rừng. Tại Kon Tum người dân và doanh nghiệp trồng gần 3.000 ha sâm Ngọc Linh và quy hoạch phát triển 31.700 ha; Quảng Nam trồng hơn 1.500 ha và quy hoạch phát triển 10.000 ha. Tuy nhiên, hai tỉnh đang thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng, thiếu cơ sở sơ chế biến sâu. Công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh còn hạn chế.
Theo đề án, giai đoạn 2025 – 2035 duy trì và phát triển được diện tích vùng nguyên liệu phù hợp; ưu tiên phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu có lợi thế và giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ và phù hợp với sinh thái của từng địa phương. Hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Trước năm 2030, hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan, xác định mặt bằng, từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực trung tâm công nghiệp dược liệu tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và giao thông kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư vào công nghiệp dược liệu.
Giai đoạn từ 2036 - 2045 hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu công nghiệp dược liệu trên địa bàn. Đa dạng hóa các sản phẩm dược liệu, sản phẩm từ dược liệu với sâm Ngọc Linh là chủ lực, có chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia chuỗi giá trị công nghiệp dược liệu toàn cầu, với nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì triển khai đề án, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bảo tồn giống sâm. Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các địa phương trong tỉnh cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào trung tâm công nghiệp dược liệu.
Đắc Thành