Ngày 7/5, Bộ trưởng Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên, làm việc với các doanh nghiệp về thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với Mỹ. Các doanh nghiệp tham gia gồm nhiều Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân lớn như PVN, Petrolimex, PV Gas, EVN, TKV, Vietnam Airlines, Vietjet, Thaco Industry, Viettel, VNPT...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá Việt Nam hiện có nhu cầu mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, dịch vụ từ Mỹ với số lượng lớn, giá trị cao và ổn định. Đây đều là những sản phẩm Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, theo Bộ trưởng.

bt-dien-1746634366-1746634386-7748-1746634684.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n0aQsSMTTi0DWBIgNcqG-g

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp với các doanh nghiệp, ngày 7/5. Ảnh: MOIT

Thực tế, những năm qua, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã nhập khẩu rất lớn các sản phẩm từ Mỹ như máy bay, máy móc, trang thiết bị, turbin cho nhà máy điện khí, hệ thống truyền tải điện, chip GPU, nguyên nhiên vật liệu, trị giá lên tới nhiều tỷ USD.

Giữa tháng 3, trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Đặc phái viên của Thủ tướng tại Washington, nhiều thỏa thuận hợp tác trong kinh tế - thương mại giữa doanh nghiệp hai nước đã được ký kết. Đây là những hợp tác quan trọng với tổng giá trị 4,15 tỷ USD nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, theo Bộ Công Thương.

Trước đó, hai bên cũng đã ký các hợp đồng khác trị giá 50,15 tỷ USD tập trung vào mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí, nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu. Các bên cũng đàm phán, dự kiến ký kết trong thời gian tới các hợp đồng, thỏa thuận trị giá khoảng 36 tỷ USD. Như vậy, tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết giữa các doanh nghiệp hai nước dự kiến triển khai trong giai đoạn từ năm 2025 khoảng 90,3 tỷ USD.

Tại cuộc họp, đại diện các tập đoàn cho biết từ nay tới tháng 6, họ sẽ tăng gặp gỡ, làm việc với các đối tác Mỹ để hiện thực hóa các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ đã ký kết.

Theo số liệu thống kê, quý đầu năm, Việt Nam xuất 31,4 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ và nhập về 4,1 tỷ USD từ nước này. Kim ngạch xuất-nhập khẩu hai chiều tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ trưởng Công Thương cho rằng trao đổi thương mại giữa hai nước chưa thực sự tương xứng tiềm năng. Ông đề nghị các doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa để hiện thực hóa tiềm năng to lớn này trong thời gian tới.

"Đây là hành động thiết thực giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước", ông Diên nói, thêm rằng việc này góp phần hướng tới cân bằng cán cân thương mại hài hòa, bền vững.

img-20250507-101345-1746634461-4835-2655-1746634685.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0L8TV0Y9mq8FVt1dDZ2Acw

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp ông Marc E. Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam, ngày 7/5. Ảnh: MOIT

Cùng ngày, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên có cuộc ông Marc E. Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam. Ông Diên khẳng định quan điểm coi trọng hợp tác giữa hai nước, đề nghị Mỹ thúc đẩy thương mại theo hướng hài hòa, bền vững và lâu dài.

Bộ trưởng nhìn nhận hai nền kinh tế có tính bổ trợ, giúp hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Ông cho rằng hai bên cần sớm rà soát, kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc hợp tác, mua bán các sản phẩm thiết yếu, bổ sung nhu cầu hàng hóa của nhau.

Đáp lại, Đại sứ Marc E. Knapper cho biết ông đánh giá cao các động thái chủ động, thiện chí của Việt Nam. Theo Đại sứ, chính sách thương mại mới của Mỹ nhằm mục tiêu thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư, bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh quốc gia và người lao động Mỹ.

"Các chính sách này không nhằm gây phương hại tới các nước đối tác", ông Marc E. Knapper, tin tưởng rằng quá trình đàm phán giữa Việt Nam - Mỹ sẽ đạt những kết quả tích cực, mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022